Hiểu đúng về 'da sần vỏ cam'
Cellulite là tình trạng mô mỡ biến dạng dưới da khiến bề mặt da trở nên sần sùi và lồi lõm. Cellulite thường xuất hiện sau tuổi dậy thì, chịu ảnh hưởng của hormone estrogen và cấu trúc mô liên kết yếu ở nữ giới. Nam giới ít gặp hơn nhờ lớp da dày và collagen đan chéo, song vẫn có nguy cơ khi bước vào độ tuổi lão hóa – thời điểm mô liên kết suy yếu và quá trình chuyển hóa chậm lại.
Cellulite (sần da vỏ cam) là hiện tượng các tế bào mỡ bị biến dạng, kết hợp với dịch thể và độc tố, tạo thành những khối mỡ cứng kết dính với mô xơ dưới da. Tình trạng này thường xuất hiện ở các vùng dễ tích trữ mỡ lâu ngày như mông, đùi, bụng.
Cellulite hình thành do rối loạn tuần hoàn tại lớp mỡ dưới da. Khi mao mạch và mạch bạch huyết hoạt động kém hiệu quả, chất lỏng và độc tố tích tụ trong tế bào mỡ, gây xơ hóa mô và làm cản trở lưu thông, khiến các tế bào mỡ bị đẩy lên bề mặt, làm biến dạng cấu trúc mô liên kết và tạo ra bề mặt da gồ ghề như “vỏ cam”.

Ảnh minh họa
Không dừng lại ở thay đổi ngoại hình, cellulite còn ảnh hưởng tiêu cực đến tuần hoàn mao mạch và hệ bạch huyết, làm giảm khả năng đào thải độc tố, hạn chế quá trình tái tạo sợi đàn hồi như collagen và elastin, dẫn đến hiện tượng phù nề và giảm độ săn chắc da.
Cellulite được chia thành 4 cấp độ theo mức độ biểu hiện trên bề mặt da. Ở giai đoạn đầu, những thay đổi gần như không thể quan sát bằng mắt thường. Giai đoạn 2 thể hiện rõ hơn khi ấn hoặc bóp, bề mặt da trở nên lồi lõm và có thể gây cảm giác đau nhẹ. Đến giai đoạn 3, hiện tượng da sần sùi có thể thấy rõ ngay cả khi không tác động lực. Ở giai đoạn cuối, cellulite xuất hiện dưới dạng các khối mỡ lớn, kèm theo tình trạng khô da và chảy xệ, phản ánh sự suy giảm nghiêm trọng về độ đàn hồi và cấu trúc da.

Ảnh minh họa
Theo chuyên gia, cellulite ở mức độ nhẹ (giai đoạn 1–2) có thể được cải thiện nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện đều đặn. Tuy nhiên, khi đã tiến triển đến giai đoạn 3 hoặc 4, nên tìm đến đến các biện pháp can thiệp y học như trị liệu chuyên sâu hoặc điều trị bằng công nghệ cao.

Ảnh minh họa
Nguyên nhân hình thành cellulite liên quan đến tuần hoàn kém, rối loạn chuyển hóa tại chỗ, hormone (đặc biệt là estrogen) và yếu tố di truyền. Không chỉ người thừa cân, người có thể trạng gầy cũng có thể gặp phải nếu lưu thông máu không hiệu quả.
Cellulite ở giai đoạn nhẹ có thể cải thiện bằng vận động và massage. Các hình thức vận động nhẹ như yoga, đi bộ hoặc bài tập giãn cơ giúp tăng tuần hoàn và giảm căng cứng. Massage đúng kỹ thuật hỗ trợ lưu thông bạch huyết, nhưng không thay thế được điều trị y khoa nếu cellulite tiến triển nặng.
Cellulite ở giai đoạn nặng cần can thiệp y học. Hiện có ba hướng điều trị chính gồm: điều chỉnh chế độ ăn nhằm cải thiện tuần hoàn và giảm tích nước; điều trị da liễu bằng sóng cao tần hoặc sóng xung kích để làm mềm mô xơ; thẩm mỹ nội khoa sử dụng sóng siêu âm hoặc tiêm tan mỡ để phá vỡ mô mỡ, hỗ trợ đào thải qua hệ bạch huyết.
Theo Doctornow, Health Chosun
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/hieu-dung-ve-da-san-vo-cam/