Hiểu đúng về phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng, tránh làm 'méo mó' thị trường

Hàng năm, ngành bảo hiểm đã chi trả hàng chục nghìn tỷ đồng tiền bồi thường và quyền lợi bảo hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro. Tuy nhiên, gần đây các vụ việc nổi cộm liên quan đến bảo hiểm nhân thọ như: tư vấn viên bảo hiểm không rõ ràng khiến khách hàng mất tiền, hiện tượng ép người vay ngân hàng mua bảo hiểm, gửi tiền ngân hàng lại biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ... đã làm 'méo mó' thị trường, ảnh hưởng đến doanh nghiệp nỗ lực cống hiến.

Đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Thông tin tại buổi Tọa đàm “Hiểu đúng về phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng” tổ chức chiều 3/7, đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ thời gian qua đã cho thấy sự trưởng thành của ngành cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai.

Đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: H. Thu

Đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: H. Thu

Hàng năm, ngành bảo hiểm đã chi trả hàng chục nghìn tỷ đồng tiền bồi thường và quyền lợi bảo hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro, góp phần ổn định ngân sách nhà nước. Đây cũng là kênh huy động vốn trung và dài hạn đầu tư trở lại nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hơn 1 triệu lao động (gồm cán bộ nhân viên và đại lý bảo hiểm), góp phần ổn định an sinh xã hội.

Không chỉ đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thị trưởng bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam cũng được đa dạng hóa với tốc độ cao, phục vụ nhu cầu của người dân.

"Năm 2022, trung tâm của dịch bệnh Covid-19, ABIC đã thực hiện bồi thường cho khách hàng lĩnh vực tam nông hơn 800 tỷ đồng. Nhưng nếu không có khoản bồi thường đó, thì ngân sách nhà nước phải chi ra bằng con số đó để hỗ trợ cho người dân, hoặc các tổ chức tín dụng sẽ đối mặt với rủi ro, nợ xấu.

Năm 2023, ABIC cũng thực hiện bồi thường cho người dân thuộc lĩnh vực tam nông khoảng 700 tỷ đồng và năm 2024, dự kiến cũng vậy. Có thể thấy vai trò của doanh nghiệp bảo hiểm là rất quan trọng đối với người dân, đặc biệt là người dân thuộc khu vực tam nông" - ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch HĐQT ABIC.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nói chung cũng làm xuất hiện những bất cập. Gần đây nhất là các vụ việc nổi cộm liên quan đến bảo hiểm nhân thọ như: tư vấn viên bảo hiểm không rõ ràng khiến khách hàng mất tiền, hiện tượng ép người vay ngân hàng mua bảo hiểm, gửi tiền ngân hàng lại biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ... Những thông tin không tích cực về việc ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ảnh hưởng chung đến toàn thị trường, trong đó có khối kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ qua kênh Bancassurance.

Thông tin về những vấn đề tồn tại của ngành bảo hiểm nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ qua kênh Bancassurance nói riêng, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) chia sẻ, ngay sau khi có dư luận không tốt về ngành bảo hiểm, doanh nghiệp đã chủ động tổ chức buổi tọa đàm trao đổi với các chuyên gia, đại biểu Quốc hội. Sau buổi tọa đàm, một số đại biểu Quốc hội đã tổ chức một loạt các buổi làm việc với ABIC để làm sáng tỏ dự luận.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, sản phẩm bảo hiểm là sản phẩm của nền văn minh, bảo hiểm đối với các nước giữ vai trò rất quan trọng. Tại Pháp ngành bảo hiểm chiếm 30% thị trường vốn và chiếm từ 7 - 8% GDP. Còn tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% GDP.

Trong đề án phát triển thị trường bảo hiểm được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020 thị trường bảo hiểm chiếm từ 3 - 3,5% GDP. Trong khi đó, thực tế đến nay mới chỉ đạt 3% GDP, do vậy cần phải làm minh bạch, cần làm sáng tỏ những tồn tại của ngành bảo hiểm ở đâu để trả lại công bằng cho những doanh nghiệp đang rất nỗ lực cống hiến như: BIC, VBI và ABIC.

Doanh nghiệp rất mong chờ hướng dẫn cụ thể

Việc bán qua kênh Bancanssurance hiện nay đang mang rất nhiều lợi ích cho ngân hàng, khách hàng. Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 quy định cấm gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng, quy định cấm gắn bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức là chưa rõ ràng, gây ra cách hiểu không thống nhất.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, quy định trên đang gây khó cho doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khi tạo ra cách hiểu không đồng nhất giữa người đọc và các bên thực hiện.

"Chúng tôi đã hỏi các chuyên gia làm luật, bàn thảo với nhau để xác định thế nào là gắn kèm, nhưng không ai đưa ra được một câu trả lời thỏa mãn được tất cả. Doanh nghiệp rất mong chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này" - ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng giám đốc ABIC.

Ông Trần Hoài An - Tổng giám đốc Công ty CP bảo hiểm BIDV (BIC) đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan cần sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn luật, cũng như nội dung cấm trên. Trong đó, hướng dẫn cụ thể việc gắn kèm là thế nào.

Bà Bùi Thị Thanh Xuân - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Bảo hiểm VietinBank cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng mới đã quy định ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, pháp luật kinh doanh bảo hiểm cũng quy định rõ đại lý bảo hiểm là các tổ chức tín dụng được phép chào bán, giới thiệu, tư vấn, thậm chí hỗ trợ khách hàng thu thập tài liệu để bồi thường. Tuy nhiên, điều bị cấm dùng câu chữ như trên dẫn đến cách hiểu không đồng nhất.

Ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng giám đốc ABIC nêu quan điểm, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang đi tìm câu trả lời cho việc thế nào là gắn kèm./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hieu-dung-ve-phan-phoi-bao-hiem-qua-kenh-ngan-hang-tranh-lam-meo-mo-thi-truong-154256.html