Hiểu đúng về thông tin 'lũ 5.000 năm mới có một lần'
Việc lưu lượng nước về hồ thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) vào rạng sáng 23/7 vượt ngưỡng kiểm tra của trận 'lũ 5.000 năm' làm dấy lên nhiều thắc mắc trong dư luận. Cụ thể, liệu có đúng là 5.000 năm mới xảy ra một trận lũ tương tự?
Liên quan đến thông báo khẩn số 604 ngày 22/7 của UBND tỉnh Nghệ An, lưu lượng nước về thượng lưu hồ Bản Vẽ đạt 9.543 m³/s, sau đó tăng lên mức đỉnh 12.800 m³/s vào 2h sáng ngày 23/7/2025 - vượt 2.300 m³/s so với mức đỉnh lũ kiểm tra 10.500 m³/s, tương ứng với tần suất 0,02% (hay còn gọi là “chu kỳ lặp lại 5.000 năm”).

Tiến sĩ Lương Hữu Dũng. Ảnh: V.Đ
Giải thích về vấn đề này, Tiến sĩ Lương Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Hải văn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp vả Môi trường) cho biết, thông báo này để thấy rằng mức độ bất thường, đã xảy ra lũ cực hiếm trên thượng nguồn sông Cả, tiềm ẩn nguy hiểm đến công trình hồ chứa và dân cư, cơ sở hạ tầng.
Xác suất 0,02% không đồng nghĩa 5.000 năm mới lặp lại
Giải thích về vấn đề này, ông Lương Hữu Dũng nói rõ, “lũ 5.000 năm” là cách nói mang tính chuyên môn, chỉ mức độ cực đoan của lũ tương ứng với xác suất xảy ra 0,02% trong một năm, tức trung bình 1 lần trong 5.000 năm nếu tính toán theo xác suất. Điều này không có nghĩa rằng lũ sẽ chỉ xảy ra một lần sau 5.000 năm.
“Bản chất của cụm từ ‘lũ 5.000 năm’ là kết quả tính toán từ chuỗi số liệu quan trắc dài hạn. Nó phản ánh khả năng, chứ không phải mốc thời gian. Một trận lũ cực đoan có thể xảy ra hai năm liên tiếp - nếu điều kiện thời tiết, lượng mưa và các yếu tố thủy văn đáp ứng đúng kịch bản,” ông Dũng nói.
Ông Lương Hữu Dũng giải thích rõ, trong ngành thủy văn, tần suất lũ (ký hiệu là P) là xác suất vượt, tức xác suất một trận lũ xảy ra có đỉnh lưu lượng lớn hơn hoặc bằng giá trị tương ứng với tần suất đó. Mối quan hệ giữa tần suất và chu kỳ lặp lại (T) là:
P = 1/T
Ví dụ:
T = 50 năm P = 1/50 = 2%
T = 5.000 năm P = 1/5.000 = 0,02%
Đây là các giá trị thống kê, không phải là chu kỳ cứng. Vì vậy, lũ có thể xảy ra năm nay và vẫn có thể xảy ra năm sau, mặc dù xác suất rất thấp.
Ông cũng lưu ý, người dân và truyền thông cần tránh hiểu nhầm rằng “lũ 5.000 năm” nghĩa là phải chờ 5.000 năm mới có một trận, hoặc cho rằng lịch sử Việt Nam 4.000 năm thì làm sao biết được trận lũ của 5.000 năm.
“Cái cần hiểu là tần suất càng nhỏ, mức độ hiếm gặp và cực đoan càng lớn, nhưng không có nghĩa là không thể lặp lại trong thời gian ngắn,” ông nói thêm.
Trả lời câu hỏi giả định, nếu trong tháng 8/2025 có một trận mưa lớn tương tự thì liệu có bị đánh giá là “lũ 5.000 năm” tiếp? Ông Dũng khẳng định hoàn toàn có thể. Bởi vì nếu lưu lượng đỉnh lũ thực đo lại vượt mức thống kê tương ứng với xác suất 0,02% thì việc đánh giá này vẫn đúng theo nguyên tắc thống kê.

Hình ảnh vùng lũ Nghệ An. Ảnh: V.Lam.
Theo ông Dũng, điều quan trọng nhất khi phổ biến thông tin về “lũ 5.000 năm” là phải làm rõ đây là khái niệm thiết kế, không phải công cụ dự báo thời gian.
“Tần suất lũ được sử dụng để thiết kế đê điều, hồ chứa, quy hoạch phòng chống thiên tai. Nó giúp xác định độ lớn của công trình cần ứng phó chứ không cho biết thời điểm lũ xảy ra. Hiểu sai về điều này có thể dẫn đến tâm lý chủ quan, hoặc hoang mang không đáng có”, ông Dũng nói.
Chủ động ứng phó trước các hiện tượng thời tiết cực đoan
Trước bối cảnh biến đổi khí hậu, khi các hiện tượng cực đoan xuất hiện ngày càng dày đặc, ngành khí tượng thủy văn đang triển khai các nghiên cứu lớn nhằm đánh giá lại năng lực phòng chống lũ.
Tiến sĩ Lương Hữu Dũng cho biết, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đang thực hiện đề tài cấp quốc gia: “Nghiên cứu khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng chống lũ, xây dựng công nghệ nhận dạng lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi trên lưu vực sông Hồng và đề xuất giải pháp ứng phó”.
Nội dung nghiên cứu gồm: Đánh giá khả năng chống chịu hiện tại của hệ thống sông Hồng, có thể ứng phó với lũ chu kỳ 500 năm (tương đương 1 tỷ m³ nước).
Xây dựng công nghệ nhận dạng lũ lớn, ứng dụng mô hình học máy và học sâu để xác định các giai đoạn lũ tại các điểm kiểm soát chính. Đề xuất điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa Sơn La, Tuyên Quang trong thời gian lũ chính vụ (20/7 – 21/8), phối hợp vận hành hồ giữa thượng lưu và hạ du khi có tổ hợp lũ.
“Chúng tôi kỳ vọng kết quả nghiên cứu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống lũ và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trên toàn lưu vực sông Hồng,” ông Dũng nói.