Hiểu đúng về việc bỏ quy định người dân giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình
Bộ Công an đã ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định hình thức giám sát của nhân dân trong bảo đảm trật tự, ATGT. Báo Sức khỏe và Đời sống đã phỏng vấn Luật sư Hồ Diên Trung, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về vấn đề này.
- Thưa ông, vừa qua Bộ Công an đã ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA ngày 30/9/2024, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định hình thức giám sát của nhân dân trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, luật sư có thể thông tin cho bạn đọc hiểu hơn về thông tư này?
Luật sư Hồ Diên Trung: Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Một số thay đổi đáng chú ý trong Thông tư 46/2024 bao gồm:
+ Bỏ hình thức giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình.
+ Bỏ một số nội dung công khai trong Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính:
+ Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm thường xuyên trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.
+ Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định.
+ Ngoài ra Thông tư còn sửa đổi một số nội dung về hình thức các phương tiện hỗ trợ nhiệm vụ như: quy định về hình thức dây căng; Bổ sung thêm hình thức tham gia ý kiến của nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (tài khoản mạng xã hội của Công an nhân dân); làm rõ cơ quan có thẩm quyền để nhân dân thông báo khi phát hiện tai nạn, ùn tắc giao thông hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật là cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất,…
- Trong số những nội dung này, có 2 nội dung mà người dân đặc biệt quan tâm, đó là nội dung không công khai kế hoạch tuần tra kiểm soát và bỏ quy định giám sát CSGT qua ghi âm, ghi hình. Trước hết với nội dung không công khai kế hoạch tuần tra kiểm soát, Luật sư đánh giá như thế nào về sự thay đổi này so với trước kia?
Luật sư Hồ Diên Trung: Tôi muốn nhấn mạnh về đối tượng điều chỉnh của Thông tư 67/2019 và Thông tư 46/2024, đây là quy định có nội dung trọng tâm là thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, sự giám sát ở đây hướng đến cộng đồng giám sát, không chỉ là việc giám sát của người bị kiểm tra. Do đó, việc điều chỉnh của Thông tư 46/2024 sẽ hướng đến số đông người dân.
Đối với việc bỏ nội dung công khai kế hoạch tuần tra kiểm soát, tôi cho rằng hợp lý dựa trên thực tiễn tổng hợp kết quả triển khai Thông tư 67/2019.
Thứ nhất, việc công bố kế hoạch triển khai công tác tuần tra như trước đây theo quy định của Thông tư 67/2019 có thể gây ra tình trạng nhiều đối tượng quá khích sử dụng vào mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, ATGT hoặc bị chụp, đăng lên mạng gây lộ kế hoạch làm việc. Việc loại bỏ nội dung công khai này còn hạn chế được tình trạng nhiều người vi phạm tránh việc bị kiểm tra hành chính, khiến việc kiểm tra kiểm soát không đạt hiệu quả, bỏ lọt các hành vi vi phạm hành chính.
Thứ hai, việc loại bỏ nội dung công khai kế hoạch công tác kiểm tra của cán bộ CSGT còn góp phần đẩy mạnh việc đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông (ví dụ như một số đối tượng phạm tội như tội buôn bán trái phép chất ma túy chẳng hạn, lợi dụng việc công bố kế hoạch tuần tra mà tránh những tuyến đường có lực lượng kiểm tra, từ đó dẫn đến việc tội phạm bị bỏ lọt).
- Vậy còn với nội dung bỏ giám sát ghi âm, ghi hình cán bộ, chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ, Luật sư có đánh giá như thế nào?
Luật sư Hồ Diên Trung: Tôi nhận định việc Bộ Công an đã loại bỏ quy định này tại Thông tư mới vì các nguyên nhân sau:
Dựa trên thực trạng hiện nay nhiều người dân đã lợi dụng việc giám sát lực lượng CSGT để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc của cán bộ, chiến sĩ CSGT để quấy rối, cản trở việc thi hành công vụ của họ. Ngoài ra, việc chia sẻ các video này lên mạng xã hội nhằm mục đích câu view, câu like nhưng gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật. Những hình ảnh công tác của các cán bộ, chiến sĩ CSGT thậm chí còn bị nhiều đối tượng, tổ chức sử dụng để nhằm mục đích xuyên tạc, chống phá nhà nước.
Hơn nữa, quy định về việc sử dụng hình ảnh cá nhân (của cán bộ chiến sĩ và của người bị kiểm tra) đã được quy định ở nhiều văn bản, như Bộ Luật Dân sự, Luật An ninh mạng, Luật Công an nhân dân, Nghị định 13/2023, việc ghi âm, ghi hình và sử dụng hình ảnh phải đáp ứng các điều kiện nhất định và bị áp dụng các chế tài khi vi phạm. Còn Thông tư 67/2019 đang quy định khá chung chung, không có chế tài nên có thể xảy ra việc lạm dụng cho nhiều mục đích xấu.
Do đó, có thể Bộ Công an đã xem xét để loại bỏ nội dung này ra khỏi Thông tư 46/2024.
Khi Bộ Công an đã bỏ quy định này ra khỏi Thông tư, tôi cho rằng người bị kiểm tra vẫn có thể ghi âm, ghi hình quá trình làm nhiệm vụ của CSGT, bởi:
- Trước tiên, Thông tư 46/2024 loại bỏ quy định nhằm hạn chế việc lạm dụng quyền như tôi đã phân tích trên, nhưng không có quy định cấm ghi âm, ghi hình. Thực tế, người bị kiểm tra cũng có những tình huống cần phải ghi lại để làm bằng chứng chứng minh mình không vi phạm, miễn sao không cản trở người thi hành công vụ. Về vấn đề này Cục CSGT cũng đã có thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Ngoài ra, việc người dân được quyền giám sát việc thi hành công vụ của cơ quan nhà nước đã được quy định cụ thể tại Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự, Luật Công an nhân dân,… Theo điều 32 Bộ Luật Dân sự, việc ghi âm, ghi hình và sử dụng hình ảnh của cá nhân nếu phục vụ cho mục đích quốc gia, dân tộc, mục đích công cộng, không làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, uy tín thì không cần phải được sự đồng ý của người đó. Tôi lấy ví dụ nếu người dân phát hiện hành vi nhận hối lộ, nhũng nhiễu, hạch sách hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm khác hoàn toàn có thể ghi hình để tố giác hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, việc người dân ghi âm, ghi hình và sử dụng hình ảnh của cá nhân phải lưu ý tuân thủ các quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật An ninh mạng, Nghị định 13/2023 và không được lạm dụng để quấy rối, cản trở việc thi hành công vụ của CSGT.
- Theo thông tư mới, người dân hiện nay sẽ được giám sát theo hình thức nào, thưa Luật sư?
Luật sư Hồ Diên Trung: Thông tư 46/2024 quy định về hình thức giám sát của nhân dân như sau:
Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng;
Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật;
Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ;
Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Ngoài ra, tuy Thông tư 46/2024 không còn quy định về hình thức giám sát ghi âm, ghi hình nhưng người dân có thể áp dụng theo các quy định khác của pháp luật và phải tuân thủ các quy định liên quan khi thực hiện việc này.
- Theo Cục Cảnh sát giao thông, việc không quy định hình thức giám sát bằng ghi âm ghi hình phù hợp với quy định của Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ Luật Dân sự, Luật An toàn thông tin mạng và Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật sư có thể chia sẻ thêm dưới góc độ pháp lý và thực tiễn không?
Luật sư Hồ Diên Trung: Việc quy định về bảo vệ hình ảnh, dữ liệu cá nhân đã được hiến pháp và Bộ Luật Dân sự quy định từ lâu. Những năm vừa qua, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định 13/2023 quy định làm rõ thêm và phù hợp hơn với tình hình phát triển của xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Như lý giải của Cục CSGT và như tôi phân tích ở trên, việc ghi âm, ghi hình CBCS đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trên, nên tôi cho rằng việc Bộ Công an quy định vào trong Thông tư như trước đây sẽ lặp và có thể mâu thuẫn với nhau.
Đối với việc sử dụng, đăng tải lên mạng xã hội, người quay cần phải lưu ý thận trọng để tránh trường hợp bị xác định là sử dụng khi chưa được đồng ý, sử dụng không đúng mục đích hoặc thậm chí là xâm phạm đến uy tín, hình ảnh, danh dự của người khác (tôi lấy ví dụ người dân quay được hình ảnh giống như đang nhận hối lộ, sau đó đưa lên mạng tung hê, kích động; nhưng khi xác minh sự việc không phải như vậy, tình huống này người quay đưa lên mạng vi phạm quy định về việc sử dụng hình ảnh người khác trái phép và vu khống; những tình huống trên, người dân có thể gửi đến cơ quan chức năng đề nghị xác minh, nếu có hành vi vi phạm thì đề nghị xử lý theo quy định).
- Sau 4 năm thực hiện Thông tư 67, đã có rất nhiều trường hợp dựa vào quy định được giám sát lực lượng CSGT và gây nhiều sự cản trở cho cán bộ chiến sĩ khi làm nhiệm vụ, vậy hành động nào được coi là cản trở và sẽ bị xử lý ra sao ạ?
Luật sư Hồ Diên Trung: Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 208/2013/NÐ-CP, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tùy mức độ và hành vi cản trở thì mức phạt vi phạm hành chính tối đa đối với việc cản trở cho cán bộ chiến sĩ có thể lên tới 8 triệu đồng theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù giam theo điều 330 Bộ Luật Hình sự 2015.