Hiểu đúng về việc dịch chuyển dòng vốn Nhật

Việc dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản rất cần được hiểu đúng trước xu hướng đa dạng hóa cơ sở sản xuất của giới đầu tư. Điều quan trọng, để tận dụng cơ hội từ việc dịch chuyển thì Việt Nam rất cần nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Khi xét về tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong thời điểm hiện tại, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM, cho biết qua kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp (DN) Nhật thì thấy có tổng cộng 170 nguồn cung ứng đã được chuyển đổi (bao gồm chuyển đổi một phần và có kế hoạch chuyển đổi) trước tác động của bảo hộ thương mại.

Xu hướng chuyển đổi nguồn cung

Về nguồn cung sau khi chuyển đổi thì tỷ lệ DN Nhật trả lời Việt Nam và Thái Lan lần lượt là 24,1% và 13,5%. Nhìn vào các mô hình tái cơ cấu chính của nguồn cung, đứng đầu là chuyển đổi từ Trung Quốc sang Việt Nam chiếm 22,4%, tiếp theo là chuyển đổi từ Trung Quốc sang Thái Lan với 8,2%.

Theo ông Shinji, việc mở rộng đầu tư quốc tế đối với DN Nhật Bản thì Trung Quốc đang suy giảm vị thế, trong khi Việt Nam đang trên đà bắt kịp.

Các DN vừa và nhỏ (SME) ở Tokyo (Nhật Bản) quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam.

Các DN vừa và nhỏ (SME) ở Tokyo (Nhật Bản) quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam.

Dẫn lại khảo sát của Jetro hồi cuối năm 2019 về hoạt động quốc tế của các DN Nhật Bản, ông Shinji chỉ rõ đối với các DN hiện có cơ sở ở nước ngoài và đang có kế hoạch mở rộng hoạt động hơn nữa thì tỷ lệ các công ty lựa chọn Trung Quốc là 48,1%. Đây là kết quả lần đầu tiên dưới 50% sau hai năm, là mức giảm đáng kể so với năm 2018 (55,4%).

Kết quả khảo sát cũng cho thấy Việt Nam đứng thứ hai với 41% (lần đầu tiên vượt 40%). Qua đó, chênh lệch giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thu hẹp xuống còn 7,1% từ mức 19,9 của năm 2018.

Tuy nhiên, vị trưởng đại diện của Jetro tại Tp.HCM cũng nhấn mạnh thêm về các thách thức của Việt Nam trước xu hướng đa dạng hóa cơ sở sản xuất của các công ty nước ngoài.

Nhất là đối với ngành chế tạo, tỷ lệ thu mua nội địa của Việt Nam từ sau năm 2010 dần có sự gia tăng, tuy nhiên, nếu nói tỷ lệ gia tăng cao những năm gần đây thì so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì khoảng cách chưa được rút ngắn.

Chia sẻ thêm tại buổi họp báo ở Tp.HCM ngày 7/10 để giới thiệu về triển lãm quốc tế về sản xuất và gia công công cơ khí “Metalex Vietnam 2020 và “triển lãm công nghiệp hỗ trợ 2020”, ông Shinji cũng muốn nói cho rõ thêm những thông tin về việc dịch chuyển sản xuất của DN Nhật từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo đó, qua khảo sát DN Nhật với câu hỏi “có dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam hay không ?” thì chỉ có 5% DN trả lời là họ có kế hoạch cho việc này.

Dịch chuyển hay đa dạng hóa cơ sở sản xuất ?

Ở đây, cần phải hiểu việc dịch chuyển này bao gồm hai nghĩa. Thứ nhất là DN Nhật có thể sẽ chuyển hẳn từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thứ hai là vẫn duy trì sản xuất tại Trung Quốc nhưng mở rộng thêm hoặc mở mới hay tăng thêm lượng sản xuất tại Việt Nam.

“Tuy nhiên, khi dùng từ “dịch chuyển sản xuất” thì làm cho dư luận dễ hiểu nhầm là “dọn hẳn từ nhà này sang nhà khác ở”. Trong khi đó, ở Nhật Bản người ta sẽ dùng từ ngữ là “đa dạng hóa cơ sở sản xuất” chứ không dùng từ “dịch chuyển sản xuất” như thông tin vẫn nghe gần đây ”, ông Shinji nói.

Và trước đây thì đã có thời gian phía các nhà đầu tư Nhật có sử dụng thuật ngữ “Trung Quốc +1”, tức là cơ sở sản xuất chính của họ đặt tại Trung Quốc và một quốc gia nào đó nữa được chọn để đặt thêm cơ sở sản xuất. Có nghĩa rằng họ không bỏ hẳn Trung Quốc để dịch chuyển cơ sở sản xuất sang một quốc gia mới.

Nhưng đó là chuyện trước kia, còn bây giờ khi đặt câu hỏi “ngoài việc Trung Quốc +1 thì nếu DN Nhật đã chọn Việt Nam rồi thì còn chọn chỗ nào nữa không ?”, các DN Nhật Bản trả lời là “chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chọn Việt Nam”.

Vị trưởng đại diện của Jetro tại Tp.HCM cũng lưu ý đó là kết quả khảo sát các DN Nhật trước khi xảy ra dịch Covid-19, còn hiện nay với những thành quả mà Việt Nam đã đạt được thì tin rằng Việt Nam sẽ được chú ý nhiều hơn nữa trong việc thu hút dòng vốn Nhật.

Thực tế cho thấy dù chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng Việt Nam đã chứng minh vẫn là thị trường sản xuất kinh doanh đầy tiềm năng, là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư Nhật nhờ cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn sống ngày càng nâng cao.

Theo ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc Công ty Reed Tradex Vietnam, điều này có được là nhờ nền kinh tế trong nước vận động không ngừng, nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư linh hoạt, cùng với các hiệp định thương mại được ký kết gần đây.

Như báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics, Việt Nam có triển vọng phục hồi kinh tế tươi sáng nhất và là nền kinh tế duy nhất ở khu vực đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 tại khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ông Tài lưu ý là để tận dụng cơ hội từ xu hướng thiết lập và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các tập đoàn quốc tế (trong đó có các DN Nhật Bản), tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thì các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân lực.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/hieu-dung-ve-viec-dich-chuyen-dong-von-nhat-1073853.html