Hiểu hơn về Thái sư Lưu Cơ trong lịch sử
Cuốn sách 'Vai trò của Thái sư Lưu Cơ trong lịch sử' do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản tháng 12/2022.
Cuốn sách là kết quả của Hội thảo “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ” được tổ chức tháng 5/2022. Sách gồm 412 trang, nội dung gồm hơn 20 bài tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học lịch sử, nhà nghiên cứu với những bài viết sâu sắc nhằm phân tích, làm rõ vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ với sự kiện thống nhất đất nước, những đóng góp của ông với các triều đại Đinh, Tiền Lê và giai đoạn đầu thời Lý.
Ngoài ra, bản gia phả “Lưu thị tông từ phả” (Phả ký tông họ Lưu) với bản gốc Hán Nôm và bản dịch cùng các hồ sơ liên quan cũng giúp người đọc hiểu hơn về truyền thống, lịch sử của dòng họ Lưu của Thái sư. Đây cũng là tài sản vô cùng giá trị với các thế hệ Lưu tộc.
Thái sư Lưu Cơ sinh ngày mùng 3 tháng Giêng năm Canh Tý (940) tại động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, nay là huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình); nguyên quán Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ông là một trong số đệ nhất công thần từng phò tá tướng Đinh Bộ Lĩnh (tên húy của vua Đinh Tiên Hoàng) thống nhất, xây dựng nhà nước trung ương tập quyền đầu tiên cho quốc gia độc lập tự chủ hồi đầu thế kỷ X. Năm 971, ông được phong làm Thái sư Đô hộ phủ vừa cai quản thành Đại La, vừa đảm trách hình án.
Thái sư Lưu Cơ đã cải tạo thành Đại La, trong đó có việc xoay cửa thành về hướng Nam, thể hiện tính độc lập và khẳng định bản sắc văn hóa của một dân tộc phương Nam, tạo dựng cơ sở hạ tầng và tiền đề vật chất cho công cuộc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long của vua Lý Thái Tổ vào năm 1010.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp làm quan của mình, Thái sư Lưu Cơ đã có nhiều đóng góp to lớn đối với lịch sử dân tộc. Tài năng, đức độ, sự cống hiến tận tâm, tận lực của ông đã được nhiều thế hệ người dân Việt Nam ghi nhận, tôn vinh qua hệ thống gia phả, thần phả, các đền thờ và di tích ở Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên,… Tên ông cũng được chọn đặt cho một đường phố tại TP Ninh Bình.
Theo GS.TS Trương Quốc Bình, cần có các giải pháp và dự án tôn vinh công tích của Thái sư Lưu Cơ như: Dựng tượng tại khuôn viên Khu di sản Hoàng thành Thăng Long; bổ sung nội dung về Thái sư trong chính sử; xây đền thờ Lưu Cơ tại nơi sinh của ông là huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình); đặt tên phố, trường học tại các tỉnh, thành trong cả nước,…
Có như vậy mới xứng tầm với công lao to lớn và vai trò quan trọng của Thái sư Lưu Cơ trong lịch sử nước nhà.