Hiểu lầm về dinh dưỡng trong thực phẩm
ANTĐ Thực phẩm màu trắng như hành, tỏi ít dinh dưỡng hơn so với súp lơ xanh? Socola đen giàu chất chống oxy hóa hơn socola trắng?... Đó có thể là những quan niệm sai lầm về dinh dưỡng trong thực phẩm, thực tế không hẳn như vậy.
Sản phẩm “multigrain”: giàu ngũ cốc nguyên hạt
Khi sản phẩm được dán nhãn “multigrain”, chúng ta nghĩ chúng có chứa nhiều loại hạt ngũ cốc, nhưng có thể chúng không chứa loại ngũ cốc nguyên hạt nào. Các loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ và hợp chất thực vật khỏe mạnh khác được tìm thấy trong hạt, giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh mãn tính, như bệnh tim, tiểu đường và ung thư và cũng đóng vai trò trong kiểm soát trọng lượng cơ thể và tiêu hóa. Để biết rõ thực phẩm có ngũ cốc nguyên hạt hay không hãy nhìn vào bảng liệt kê thành phần dinh dưỡng...
Thực phẩm màu trắng ít giá trị dinh dưỡng hơn
Súp lơ, hành tây, nấm, củ cải và thậm chí khoai tây cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng như các loại rau nhiều màu sắc khác. Ăn các loại rau màu trắng có thể làm tăng lượng chất xơ, kali, magiê, vitamin và khoáng chất khác.
Socola đen tốt hơn socola sữa
Socola đen thường được cho là lành mạnh hơn socola sữa vì nó có chứa nồng độ ca cao nhiều hơn. Tuy nhiên, socola đen chưa hẳn có chứa nhiều flavanol hơn socola sữa. Chất flavanol trong hạt ca cao có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và lưu lượng máu đến não. Tỷ lệ ca cao được ghi trên nhãn của socola không phải là một chỉ số đáng tin cậy về số lượng flavanol.
Giảm calo sẽ giảm cân
Việc cắt giảm lượng calo có thể sẽ giúp bạn giảm một vài cân trong thời gian ngắn, nhưng lại không có tác dụng giảm cân về lâu dài. Chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt buộc bạn phải kiềm chế cảm giác đói mà cuối cùng có thể dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe. Cách tốt nhất để giảm cân là nên ăn khi bạn cảm thấy đói, và dừng lại khi bạn đã cảm thấy vừa đủ.
Không cần bổ sung vitamin và các chất dinh dưỡng
Không thể khẳng định chắc chắn vitamin tổng hợp sẽ bảo vệ bạn tránh khỏi các bệnh nguy hiểm như ung thư và bệnh tim. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bổ sung những chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống không đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe tổng thể của bạn, đặc biệt đối với một số nhóm người. Phụ nữ mang thai, người thiếu dinh dưỡng hoặc người kém hấp thu dinh dưỡng, người ăn chay và người lớn tuổi có thể cần bổ sung để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
Lò vi sóng làm mất dinh dưỡng thực phẩm
Lò vi sóng thực chất không làm mất chất dinh dưỡng mà trong một số trường hợp thực phẩm chế biến bằng lò vi sóng lại có lợi cho sức khỏe. Lò vi sóng có thể giữ lại nhiều chất dinh dưỡng hòa tan trong nước thường bị mất khi luộc rau và nấu chúng quá lâu. Lò vi sóng cũng giúp bảo quản chất dinh dưỡng như vitamin C do thời gian nấu nhanh hơn. Ngoài ra khi nướng thịt bằng lò vi sóng có thể giảm đáng kể sự hình thành của các hóa chất có khả năng gây ung thư như khi rán, nướng bằng bếp thông thường.
Uống cà phê gây mất nước
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS ONE tháng 1-2014 phát hiện ra rằng, uống cà phê vào buổi sáng sẽ không làm mất nước. Các nhà nghiên cứu đã phân tích tình trạng hydrat hóa của 50 nam giới uống 4 cốc cà phê mỗi ngày so với khi họ uống 4 ly nước mỗi ngày và thấy không có sự khác biệt giữa hai loại đồ uống. Tuy nhiên, ở người lớn khỏe mạnh nên tiêu thụ không quá 400mg caffeine một ngày (khoảng 4 tách cà phê). Tiêu thụ hơn 600mg caffeine mỗi ngày được coi là quá nhiều có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe như lo âu, kích động, đau đầu, mất ngủ, tăng nhịp tim, sâu răng.
Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/khoe-dep/hieu-lam-ve-dinh-duong-trong-thuc-pham/542339.antd