Hiểu lầm về thuốc xịt côn trùng
Phương pháp diệt côn trùng bằng thuốc không có tác dụng lâu dài, có thể để lại tác dụng phụ nếu thực hiện không đúng cách.
Thời tiết khu vực phía nam đang bước vào mùa mưa, là điều kiện cho muỗi và các loại côn trùng gây bệnh truyền nhiễm phát triển.
Dùng bình xịt thuốc diệt côn trùng là thói quen phổ biến của đa số mọi người. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc diệt không rõ nguồn gốc có thể gây hại cho sức khỏe hơn, đặc biệt khi hít và tiếp xúc trực tiếp với những hóa chất này.
Nguyên tắc chính của diệt muỗi
Bác sĩ Trần Kim Long, Phó phụ trách khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết nguyên tắc đầu tiên của việc diệt muỗi là diệt hết loăng quăng; không để các chum, vại chứa nước hoặc các chậu cây cảnh có nước.
Những chậu cây phát lộc trong nhiều gia đình lâu ngày không thay nước cũng có thể là nơi phù hợp để muỗi sinh sôi.
Nếu xung quanh nhà có các ao, mương nước... mọi người cần sử dụng chất diệt bọ gậy Han Tephos hoặc Abate để rắc lên vùng có nước mỗi tuần một lần.
Các gia đình có vườn cây quanh nhà rộng, có thể diệt muỗi bằng cách phun cồn y tế vào gốc cây. Nếu nhà có nhiều rãnh nước thải xung quanh, mọi người có thể dùng dầu hỏa đổ lên mặt nước của rãnh nước thải để ngăn muỗi đẻ trứng.
"Người dân cần lưu ý thuốc làm côn trùng càng chết nhanh đồng nghĩa với việc nồng độ hóa chất trong thuốc rất mạnh. Như vậy, không chỉ côn trùng chết mà con người cũng bị ảnh hưởng. Những người hít và tiếp xúc trực tiếp với những hóa chất này sẽ đối mặt nhiều nguy hiểm về sức khỏe. Điều này còn chưa kể đến trường hợp dùng phải thuốc không được cấp phép, thuốc giả, thì càng nguy hại hơn”, bác sĩ Long chia sẻ.
Thị trường có bán đa dạng chế phẩm sinh học dùng để diệt muỗi và các loại côn trùng khác. Các sản phẩm được dùng phổ biến trong nhiều gia đình hiện nay là chai xịt và nhang trừ muỗi. Ngoài ra, còn có các chế phẩm diệt muỗi bằng nước hoặc bột, hòa với nước để phun xịt trên diện rộng hơn, hay tinh dầu được quảng cáo là xông đuổi muỗi.
Tuy nhiên, thị trường thuốc diệt côn trùng cũng thật giả lẫn lộn. Nếu không hiểu biết hoặc ham giá rẻ, người dân rất dễ mua phải hóa chất độc hại núp bóng "thuốc diệt muỗi", tinh dầu xông phòng diệt khuẩn, diệt côn trùng…
Hiểu lầm về thuốc diệt muỗi
Nhiều năm qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế có những quy định rất nghiêm ngặt về phun hóa chất diệt côn trùng. Tuy nhiên thị trường hiện nay có rất nhiều loại hóa chất được bày bán tràn lan, người dân mua và tự phun thuốc, rất khó để kiểm soát mức độ nguy hiểm.
Việc dùng thuốc tùy tiện, không đúng liều lượng trong thời gian quá dài có thể dẫn tới tình trạng côn trùng thì kháng thuốc, trơ hóa chất, còn người lại nhiễm độc.
Trong Chương trình phòng, chống sốt xuất huyết, khẩu hiệu "không có loăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết" luôn được đề cao. Điều này cho thấy rằng, việc diệt loăng quăng, bọ gậy mới là "gốc rễ" của quá trình phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Muỗi hầu như không đậu trên tường vách, mà chỉ đậu trên quần áo, đặc biệt là quần áo đã mặc. Trong khi đó, quá trình phun hóa chất sẽ chỉ phun lên tường vách.
Khi phun thuốc diệt muỗi xong, nếu trong gia đình vẫn có bọ gậy, loăng quăng thì chỉ 1-2 giờ sau, chúng sẽ lớn lên thành muỗi và lại bắt đầu chu kỳ mới để tấn công con người. Đây là lý do việc phun thuốc diệt muỗi ít hiệu quả trong quá trình phòng chống sốt xuất huyết.
Đặc biệt, việc phun thuốc diệt muỗi chỉ diễn ra khi có dịch. Tuy nhiên, biện pháp phun sương dạng hạt có khối lượng siêu nhỏ, được sử dụng chủ yếu để diệt muỗi sốt xuất huyết lại chỉ mang tính tạm thời, có hiệu quả 1-2 tiếng.
Ngoài ra, theo bác sĩ Long, việc người dân tự mua thuốc về phun có thể vừa không hiệu quả, vừa tăng tính kháng của muỗi. Ngoài ra, trong quá trình thuê dịch vụ phun thuốc diệt muỗi, người dân cần tìm hiểu xem các hóa chất này có được WHO và Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng trong chương trình phòng, chống sốt xuất huyết hay không.
“Cách tốt nhất, hiệu quả nhất để phòng, chống sốt xuất huyết là thường xuyên kiểm tra xem quanh nhà có ổ bọ gậy, loăng quăng hay không. Nếu thấy muỗi xuất hiện trong nhà, người dân có thể sử dụng vợt điện để diệt muỗi. Ngoài ra, mọi người cần mặc quần áo dài, đi tất và mắc màn khi ngủ. Đây là những biện pháp tốt nhất để phòng, chống sốt xuất huyết. Cá nhân tôi không khuyên người dân phun hóa chất diệt muỗi, bởi đây là biện pháp không bền vững" bác sĩ Long nói.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hieu-lam-ve-thuoc-xit-con-trung-post1480054.html