Hiệu quả bước đầu của mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò
Năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã lựa chọn Hội LHPN xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) để triển khai thực hiện mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây là mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho phụ nữ nghèo do Hội LHPN Việt Nam đầu tư thực hiện.
Tổ hợp tác chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa xã Hùng Mỹ được thành lập từ tháng 6-2019. Tổ có 15 thành viên là các hộ hội viên dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo, hiện đang nuôi ít nhất 1 con bò trở lên. Khi mới triển khai, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã giải ngân 165 triệu đồng cho 11 thành viên, mỗi thành viên được vay 15 triệu đồng không lãi suất để mua con giống tăng đàn. Các thành viên được vay phải trả vốn theo 3 kỳ/3 năm, mỗi người 5 triệu đồng/kỳ cho Hội LHPN xã quản lý. Như vậy, đến tháng 11-2020, nguồn vốn đã giải ngân sẽ được trả về là 55 triệu đồng để tiếp tục giải ngân cho 4 hộ còn lại hoặc các hộ có nhu cầu tham gia tổ hợp tác được vay.
Chị Lý Thị Xuân, Tổ trưởng tổ quản lý tổ hợp tác cho biết: "Ngay khi tổ hợp tác ra mắt, chúng tôi đã bầu Ban quản lý tổ hợp tác với 3 thành viên; ban hành quy chế hoạt động. Theo đó, Ban quản lý có nhiệm vụ phối hợp với cán bộ thú y địa phương để giám sát quy trình chăm sóc, phòng, tránh dịch bệnh cho đàn bò. Đồng thời, lập sổ theo dõi, quản lý nguồn kinh phí được hỗ trợ, con giống theo quy chế hoạt động của tổ hợp tác. Định kỳ 1 lần/tháng tổ chức họp để trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh và tìm đầu ra cho sản phẩm; thống nhất xây dựng Quỹ rủi ro và hoạt động của tổ hợp tác với mức trích nộp hàng năm là 10 nghìn đồng/người/tháng".
Bên cạnh nhiệm vụ quản lý tổ hợp tác, chị Xuân cũng là một trong những hội viên phụ nữ cận nghèo được vay 15 triệu đồng để mua bò tăng đàn. Chị đã thực hiện đúng hướng dẫn chăn nuôi bò, nhờ đó, bò được ăn cỏ đầy đủ, môi trường chuồng trại sạch sẽ, bò phát triển tốt. Đến nay, con bò chị được hỗ trợ vốn để mua đã đẻ 1 con bê.
Chị Đặng Thị Ghến, Chủ tịch Hội LHPN xã Hùng Mỹ cho biết, khi tổ hợp tác được thành lập đến nay, Hội LHPN xã phối hợp với UBND xã và dịch vụ thú y huyện tổ chức được 3 buổi tập huấn, hướng dẫn kiến thức về chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản; cách phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng cho đàn bò cho các thành viên. Hội LHPN xã, Ban quản lý tổ hợp tác thường xuyên trao đổi thông tin, cập nhật giá cả với Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang; tham khảo giá từ các thương lái, các cửa hàng chuyên bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, các nhà hàng, thương lái trên địa bàn huyện Na Hang… đảm bảo việc mua, bán sản phẩm giữa 2 bên diễn ra thuận lợi. Qua 1 năm triển khai thực hiện, đến nay số bò của tổ hợp tác đã tăng thêm 15 con. Hội đang tiếp tục hướng dẫn các chị em thực hiện chăn nuôi theo chu trình khép kín (vừa nuôi bò, vừa kết hợp nuôi giun quế và trồng cỏ).
Có thể nói, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho phụ nữ nghèo do Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai thực hiện là một trong những chương trình thiết thực, ý nghĩa, bước đầu đem lại cho 11 hội viên phụ nữ nghèo xã Hùng Mỹ những cách thức chăn nuôi mới, tạo động lực để các hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo từng bước vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.