Hiệu quả cánh đồng sử dụng 1 giống lúa
Đứng trước cánh đồng trồng lúa trải dài tít tắp, đang bước vào giai đoạn chắc xanh, bà Lê Thị Hiền, thôn Trọng Hậu, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa), cho biết: Đây là cánh đồng chỉ sử dụng duy nhất 1 giống lúa Thái Xuyên 111 để gieo cấy theo lịch thời vụ xuân muộn. Việc sử dụng cùng 1 giống lúa giúp việc chăm sóc, bón phân được thực hiện đồng loạt, nhanh gọn, dễ áp dụng cơ giới hóa. Vụ đông xuân năm nay, bà con nông dân trong thôn gần như chưa phải sử dụng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh và giúp giảm từ 15 đến 20% chi phí trong sản xuất.
Cánh đồng sử dụng 1 giống lúa tại xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa).
Được biết, đây là vụ thứ 10, bà con nông dân xã Hoằng Quỳ áp dụng việc sử dụng 1 đến 2 giống lúa vào sản xuất. Ông Lê Trọng Hòa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết: Việc sử dụng 1 đến 2 loại giống lúa trên cánh đồng sản xuất bắt đầu được huyện triển khai thực hiện từ năm 2018, với quy mô hẹp ở một số xã, như: Hoằng Quỳ, Hoằng Quý, Hoằng Xuân, Hoằng Trinh. Sau hơn 5 năm triển khai, đã nhân rộng ra khắp các xã, thị trấn trong huyện. Vụ đông xuân năm nay, huyện chỉ cơ cấu 3 giống lúa để gieo trồng, gồm: Thái Xuyên 111, TBR 279, Thiên Ưu 8 và 100% diện tích lúa đều được gieo cấy trà xuân muộn.
Đánh giá về hiệu quả của những cánh đồng 1 giống lúa, ông Hòa cho biết thêm: Giai đoạn lúa làm đòng, trổ bông cùng thời điểm nên lúa thụ phấn tốt hơn, không bị hiện tượng lẫn giống do hạt phấn phát tán bởi gió.
Thời điểm này, gần 300 ha lúa của xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa mới bước vào giai đoạn chắc xanh, nhưng người dân đã dự kiến năng suất đạt khoảng 75 tạ/ha, cao hơn 10 đến 11 tạ/ha so với năng suất lúa bình quân của cả tỉnh. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sở dĩ diện tích lúa của xã có được năng suất vượt trội như trên là bởi nhiều năm nay, bà con nông dân trong xã luôn duy trì việc sử dụng 1 đến 2 giống lúa vào sản xuất. Ông Trần Tùng Bách, xã Thiệu Nguyên, cho biết: Qua thực tế nhiều vụ sản xuất cho thấy, việc sử dụng 1 giống lúa vào sản xuất giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 1,5 - 3 lần, lượng phân đạm sử dụng thấp hơn 33%; khắc phục tình trạng lúa lẫn, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15 đến 20% so với những cánh đồng trồng nhiều giống lúa. Ngoài ra, còn tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất.
Qua thực tiễn tại các địa phương trên cho thấy, những khu đồng chỉ canh tác một giống lúa, thời gian sinh trưởng, làm đòng, trổ bông... như nhau, người nông dân rất dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc canh tác nhiều giống lúa trên cùng cánh đồng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/hieu-qua-canh-dong-su-dung-1-giong-lua/158555.htm