Hiệu quả canh tác cây trồng trên đất dốc

Cải tạo đất, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng mô hình canh tác áp dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao độ phì nhiêu của đất dốc trồng cây ăn quả. Sau gần 3 năm triển khai, bước đầu giúp bà con nông dân sản xuất theo hướng bền vững.

Mô hình trồng xoài trên đất dốc của nông dân xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu.

Mô hình trồng xoài trên đất dốc của nông dân xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu.

Sơn La là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn thứ 2 của cả nước, với 83.900ha, bao gồm các cây ăn quả chủ lực: nhãn, xoài, mận hậu, bơ, thanh long, chanh leo…; thị trường tiêu thụ được mở rộng và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đã mang lại hiệu quả, vừa chống được sự xói mòn, sạt lở, vừa giải được bài toán kinh tế, giúp người dân giảm nghèo.

Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình đồi núi, độ dốc lớn, là nguyên nhân dẫn đến việc rửa trôi đất; bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, đã làm giảm độ phì nhiêu và dinh dưỡng có trong đất. Xuất phát từ thực tiễn, tháng 9/2021, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã chủ trì triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học cấp tỉnh các biện pháp kỹ thuật nâng cao độ phì nhiêu, hiệu quả của đất dốc trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La”, với mục tiêu phục hồi, duy trì độ phì nhiêu đất và dinh dưỡng cho cây ăn quả.

Bà Trần Thị Huế, Chủ nhiệm đề tài, chia sẻ: Nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện Yên Châu và Sông Mã triển khai thử nghiệm đối với cây xoài và nhãn. Thực hiện đánh giá hiện trạng, thu thập mẫu đất, xác định các yếu tố gây suy giảm và mức độ suy giảm độ phì nhiêu của đất dốc. Tổ chức hội thảo xin ý kiến hoàn thiện giải pháp canh tác; xây dựng giải pháp phục hồi, duy trì độ phì nhiêu của đất và dinh dưỡng cho cây xoài, cây nhãn và tập huấn hướng dẫn cho nông dân tại địa phương.

Căn cứ vào kết quả điều tra về phương thức canh tác, tập quán sử dụng phân bón của người dân và thực trạng tính chất đất, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình giải pháp phục hồi, duy trì độ phì nhiêu của đất và dinh dưỡng cho cây xoài và nhãn. Sau gần 3 năm áp dụng đồng bộ các giải pháp bón phân cân đối, bổ sung phân hữu cơ vi sinh và che phủ đất, cho năng suất cao hơn so với lối canh tác cũ khoảng 11,7% đối với xoài và 17,7% đối với nhãn.

Là một trong những hộ được lựa chọn thực hiện đề tài, ông Phạm Văn Đạt, bản Liên Phương, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, chia sẻ: Vườn nhãn của gia đình trồng lâu năm, đất khô cằn, độ chua cao, hay bị rửa trôi, xói mòn vào mùa mưa, khiến bộ rễ bám kém, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng nên năng suất giảm. Sau khi được nhóm nghiên cứu hướng dẫn bón phân có cuốc rãnh lấp đất, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, đất có độ tơi xốp cao hơn, khả năng rửa trôi ít hơn, cây được bổ sung dưỡng chất kịp thời nên tỷ lệ đậu quả cao, chất lượng quả nâng lên rõ rệt. Với 0,5ha, trung bình mỗi năm, cho thu hoạch 7 tấn quả, cao hơn 1,5 tấn so với trước.

Còn chị Hà Thị Phương, bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, cho biết: Tham gia đề tài, vườn xoài Đài Loan của gia đình phát triển tốt, quả to và đều. Chúng tôi được hướng dẫn bón phân hữu cơ thay thế phân vô cơ, làm đường đồng mức, trồng xen các loại cây trồng ngắn ngày và áp dụng biện pháp che phủ đất bằng tàn dư thực vật sẵn có, để hạn chế sự phát triển của cỏ dại, cung cấp đủ độ ẩm cho cây trong giai đoạn ra hoa, đậu quả. Vụ xoài năm nay, gia đình thu 5 tấn xoài. Tôi sẽ vận động bà con trong bản làm theo để nâng cao chất lượng và giữ vững thương hiệu xoài địa phương.

Ngoài ra, nhóm thực hiện đề tài còn tập huấn, cung cấp kiến thức cho các hộ dân về thiết kế vườn trồng trên các sườn dốc; cách lựa chọn giống phù hợp; những lưu ý về tỷ lệ, liều lượng bón phân NPK, hữu cơ trong đất; các giai đoạn thích hợp để tưới nước; cách phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe người trồng.

Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đánh giá: Sau gần 3 năm triển khai, đề tài đã cho thấy những hiệu quả trong việc canh tác cây ăn quả trên địa hình đất dốc theo hướng bền vững không chỉ đối với cây xoài, nhãn, mà còn có khả năng nhân rộng ra đối với các loại cây ăn quả đặc trưng khác của tỉnh, như bơ, mận hậu, thanh long...

Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để tỉnh Sơn La cơ cấu các loại cây trồng phù hợp với địa bàn, khí hậu, thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cải thiện thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên đất.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/hieu-qua-canh-tac-cay-trong-tren-dat-doc-6GxBNtlSR.html