Hiệu quả chính sách can thiệp ngoại hối của Nhật Bản

Lý do Nhật Bản thực hiện can thiệp ngoại hối là do tỷ giá đồng yen biến động quá mức. Biện pháp can thiệp có thể sẽ không được công khai song việc thông báo rộng rãi là cần thiết để tăng hiệu quả.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tại thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tại thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo báo Asahi của Nhật Bản, ngày 22/9, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã thông báo quyết định tiến hành can thiệp ngoại hối bằng cách bán USD và mua vào đồng yen. Đây là lần đầu tiên sau 24 năm Nhật Bản thực hiện biện pháp này, nhưng hiệu quả mang lại sẽ kéo dài đến thời điểm nào vẫn chưa rõ ràng.

Ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm và BoJ quyết định tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, tỷ giá đồng yen so với USD đã giảm xuống mức kỷ lục trong 24 năm qua là 145 yen đổi 1 USD. Khi thông tin Chính phủ Nhật Bản và BoJ quyết định thực hiện can thiệp ngoại hối, tỷ giá đồng yen đã bị tác động và chỉ khoảng 1 tiếng sau đó, đồng yen đã tăng lên mức 140 yen đổi 1 USD.

Trong buổi họp báo chiều tối ngày 22/9, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki đã tiết lộ rằng việc can thiệp ngoại hối chỉ được quyết định vào buổi chiều cùng ngày. Lý do thực hiện biện pháp này đó là tỷ giá đồng yen biến động quá mức. Biện pháp can thiệp có trường hợp sẽ không được công khai. Tuy nhiên, việc thông báo rộng rãi lần này là cần thiết để tăng hiệu quả.

Lý do BoJ quyết định can thiệp ngoại hối vào thời điểm hiện tại được cho là do trong hai ngày 21-22/9, các ngân hàng trung ương của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu liên tiếp tổ chức các cuộc họp, số lượng giao dịch mua vào bán ra sẽ nhiều hơn và thị trường dễ biến động trước các thông tin được đưa ra hơn các ngày khác. Thực tế, tỷ giá đồng yen ngày 22/9 đã tiệm cận mức 146 yen đổi 1 USD khi BoJ quyết định can thiệp ngoại hối cách đây 24 năm.

Để kiềm chế xu hướng đồng yen giảm giá, Bộ trưởng Tài chính Suzuki đã lặp lại nhiều lần về việc Chính phủ Nhật Bản sẽ triển khai biện pháp thích hợp mà không loại trừ bất lựa chọn nào. Việc thông tin rộng rãi biện pháp can thiệp ngoại hối nhằm mục đích sử dụng hiệu quả thông tin để kiểm soát thị trường trước khi biện pháp này được triển khai trên thực tế.

Đồng yen yếu làm tăng giá nhập khẩu các ngoại nguyên liệu như dầu mỏ, lúa mỳ và là nguyên nhân làm giá cả hàng hóa tại Nhật Bản tăng cao, khiến Chính phủ Nhật Bản hết sức lo ngại. Đồng yen yếu được cho là do chênh lệch lãi suất giữa đồng yen và USD, nhưng BoJ đã không quyết định thực hiện biện pháp đơn giản là nâng lãi suất mà tiến hành can thiệp ngoại hối. Sau khi thông tin được đưa ra, đồng yen đã tăng nhẹ so với USD.

Bộ trưởng Suzuiki cho rằng quyết định can thiệp ngoại hối đã mang lại hiệu quả thể hiện bằng con số. Chủ tịch Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) Masakazu Tokura cũng đánh giá cao về việc Chính phủ Nhật Bản đã thể hiện động thái không thả nổi khi thị trường ngoại hối biến động mạnh mẽ.

Ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng hiệu quả biện pháp can thiệp ngoại hối của BoJ chỉ có giới hạn. Việc can thiệp để ngăn chặn đồng yen giảm giá được thực hiện bằng cách chính phủ sẽ bán USD và mua vào đồng yen. Tuy nhiên, khác với đồng yen nội tệ của Nhật Bản, tài sản là tiền USD do chính phủ nắm giữ sẽ có một giới hạn nhất định.

Tại thời điểm cuối tháng 8/2022, Chính phủ Nhật Bản nắm giữ lượng ngoại tệ bằng USD vào khoảng 1.300 tỷ USD, mức cao so với các quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, lượng USD mà Chính phủ Nhật Bản có thể sử dụng ngay lập tức chỉ vào khoảng 20.000 tỷ yen (khoảng 139,19 tỷ USD), còn lại hầu hết là các loại trái phiếu chính phủ nước ngoài.

Thời điểm năm 1998, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sử dụng biện pháp can thiệp ngoại hối và trong thời gian 3 tháng đã chi ra khoảng 3.000 tỷ yen để mua vào đồng yen. Nếu Chính phủ Nhật Bản quyết định bán ra lượng lớn trái phiếu chính phủ như trái phiếu Mỹ, thị trường tài chính thế giới có thể rối loạn và khả năng các quốc gia khác sẽ phản đối.

Chuyên gia Yujiro Goto thuộc Trung tâm nghiên cứu chứng khoán Nomura, cho rằng quyết định của Chính phủ Nhật Bản mang lại hiệu quả trong ngắn hạn, tuy nhiên biện pháp này không đủ khả năng dẫn dắt thị trường chuyển đổi từ đồng yen yếu thành đồng yen mạnh và chính sách này chỉ tốn thời gian. Khi Mỹ đẩy nhanh tốc độ nâng lãi suất và chính sách của BoJ không có sự thay đổi lớn, thị trường sẽ không có sự biến đổi.

Đồng tiền mệnh giá 10000 yen của Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đồng tiền mệnh giá 10000 yen của Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thực tế biện pháp can thiệp ngoại hối mà Chính phủ Nhật Bản áp dụng trước đây đã không mang lại hiệu quả trong dài hạn. Tháng 12/1997, quyết định can thiệp ngoại hối của Chính phủ Nhật Bản đã đưa đồng yen từ mức 131 yen đổi 1 USD, lên mức 125 đổi 1 USD. Tuy nhiên, đến đầu năm 1998, tỷ giá đồng yen đã quay trở lại mức trước khi biện pháp can thiệp được áp dụng.

Tháng 6/1998, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục áp dụng biện pháp can thiệp song có sự điều phối với Mỹ và đồng yen đã tăng lên 135 yen đổi USD, từ mức 146 yen đổi 1 USD trước đó. Tuy nhiên, đến tháng 8/1998, đồng yen lại tiếp tục giảm xuống mức 147 yen đổi 1 USD.

Có thể thấy, quyết định can thiệp ngoại hối của BoJ lần này vẫn chưa rõ có sự điều phối với phía cơ quan quản lý của Mỹ hay không. Mỹ hiện đang đối mặt với tình trạng lạm phát mang tính lịch sử và khả năng nước này sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian tới. Ngoài ra, việc Mỹ có chấp nhận mức độ can thiệp hạ giá đồng USD nhằm tăng giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ hay không vẫn chưa rõ ràng.

Phát biểu trong buổi họp báo ngày 22/9, Thống đốc BoJ Kuroda đã chia sẻ về xu hướng đồng yen yếu làm gia tăng các yếu tố bất ổn định trong tương lai, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại BoJ sẽ không tăng lãi suất. Thống đốc Kuroda cũng nhấn mạnh tiếp tục nới lỏng tiền tệ khi nói rằng cơ quan này đã thảo luận đầy đủ và đưa ra kết luận vấn đề này.

Có thể thấy, Chính phủ Nhật Bản quyết định can thiệp ngoại hối nhằm chặn đà giảm giá của đồng yen. Tuy nhiên, BoJ lại tiếp tục thực hiện chính sách ngược chiều là duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn khiến xu hướng đồng yen yếu tiếp diễn. Việc mâu thuẫn trong lập trường của Chính phủ Nhật Bản và BoJ có thể dẫn đến khả năng các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục bán đồng yen và xu hướng đồng yen yếu tiếp diễn là điều không thể tránh khỏi./.

Đức Thịnh (TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hieu-qua-chinh-sach-can-thiep-ngoai-hoi-cua-nhat-ban/260213.html