Hiệu quả chương trình 'Bếp đun tiết kiệm năng lượng'
Đến nay, toàn tỉnh có 20 nghìn hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, hộ có bếp đun truyền thống đã được nhận bếp đun tiết kiệm năng lượng (TKNL) từ Chương trình
Đến nay, toàn tỉnh có 20 nghìn hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, hộ có bếp đun truyền thống đã được nhận bếp đun tiết kiệm năng lượng (TKNL) từ Chương trình “Tiếp nhận và phân phối bếp đun TKNL tại tỉnh Nam Định” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại (INTRACO) tổ chức, giao Hội LHPN tỉnh thực hiện. Qua đó đã góp phần cải thiện điều kiện sống của hội viên, chị em phụ nữ nông thôn, đồng thời thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
Chị Nguyễn Thị Khuyên, xã Hải Thanh (Hải Hậu) chia sẻ: “Sống ở nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình tôi chủ yếu sử dụng bếp củi là chính. Quá trình đun nấu không chỉ tốn nhiều củi vì nhiệt lượng tỏa ra tứ phía rất lãng phí, lại khói bụi, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, tất cả các vấn đề đó đã được giải quyết khi được tặng bếp đun TKNL”. Được nhận bếp đun TKNL từ tháng 4-2022, chị Nguyễn Thị Hải, xã Hải Hà (Hải Hậu) cũng nhận thấy nhiều ưu điểm của bếp sau quá trình dài sử dụng. Chị Hải chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi đun nấu bằng bếp kiềng 3 chân, rất tốn củi, cứ phải lo củi đun liên tục. Điều tôi lo lắng hơn cả khi đi làm xa là các con đang còn nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm nấu ăn, kiểm soát ngọn lửa, khi sử dụng bếp củi truyền thống rất dễ xảy ra tai nạn, hỏa hoạn. Từ khi dùng bếp TKNL, tôi không chỉ thấy gian bếp gọn gàng, sạch sẽ mà còn nấu ăn rất nhanh, an toàn”. Chị Khuyên, chị Hải chỉ là 2 trong số hàng nghìn phụ nữ được nhận bếp đun TKNL của Hội LHPN và thấy hiệu quả trong quá trình sử dụng.
Thực hiện chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam với Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại (INTRACO) về triển khai Chương trình “Tiếp nhận và phân phối bếp đun TKNL tại tỉnh Nam Định”, Hội LHPN tỉnh đã ký hợp đồng với Công ty INTRACO để tiếp nhận và phân phối bếp. Chương trình bắt đầu được triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 4-2022 với mục tiêu: cải thiện, nâng cao sức khỏe của hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn gắn với thực hiện các tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó có tiêu chí “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”. Mục tiêu cao hơn của chương trình là góp phần giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng ở Việt Nam; cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua giảm thời gian và tiền bạc cho việc thu gom củi đốt; cải thiện ô nhiễm không khí trong nhà; giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Theo đó, trong 2 năm 2022-2023, Hội LHPN tỉnh và Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại INTRACO sẽ trao 40 nghìn bếp đun TKNL cho các hộ nghèo, cận nghèo và các hộ gia đình hội viên phụ nữ đang sử dụng bếp đun kiểu truyền thống tại 202 cơ sở Hội trên toàn tỉnh. Bếp đun TKNL được sản xuất từ vật liệu chịu nhiệt, bọc thép không gỉ, thiết kế tối ưu hóa để đốt các phụ phẩm nông nghiệp. Do vậy, bếp TKNL sẽ cải thiện hiệu suất đạt được bằng cách điều chỉnh kích thước của buồng đốt và đảm bảo luồng không khí hiệu quả, giảm lượng củi đun 50-60%, giảm thời gian đun nấu 30%, giảm lượng khói độc hại 90%, phù hợp với người dân đang sử dụng bếp củi.
Để chương trình được triển khai hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát các hộ gia đình hội viên phụ nữ có nhu cầu, quan tâm, ưu tiên tới các nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hộ đang sử dụng bếp đun củi truyền thống và các hộ khác có nhu cầu chuyển sang bếp tiết kiệm nhiên liệu. Cụ thể, mỗi huyện, thành phố đã khảo sát, lựa chọn và lập danh sách ít nhất từ 2.000 hộ gia đình được nhận miễn phí bếp đun TKNL. “Qua khảo sát, chúng tôi thấy bếp TKNL rất phù hợp với các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có bếp đun củi trên địa bàn tỉnh nên sẽ tặng 40 nghìn bếp cho hội viên phụ nữ tại 202 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh”, ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại INTRACO chia sẻ tại chương trình. Theo đó, Hội LHPN tỉnh chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ tháng 4 cho đến hết năm 2022 sẽ phân phối 20 nghìn bếp TKNL; giai đoạn 2 trong năm 2023 sẽ phân phối hết số bếp còn lại. Hội LHPN tỉnh đã chọn 2 xã Hải Thanh và Hải Hà (Hải Hậu) là đơn vị điểm đầu tiên để trao 600 bếp đun TKNL. Đến nay, sau gần 6 tháng triển khai, Hội LHPN tỉnh đã phân phối được 20 nghìn bếp cho 53 cơ sở Hội trong toàn tỉnh. Các hộ gia đình sau khi nhận bếp TKNL đều đánh giá bếp sử dụng thuận tiện, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế được tình trạng khói, bụi bẩn, giúp các nhà bếp trở nên sạch sẽ hơn…
Không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, Chương trình “Tiếp nhận và phân phối bếp đun TKNL tại tỉnh Nam Định” còn mang lại những lợi ích về kinh tế - xã hội như tạo ra những cơ hội nghề nghiệp cho lao động liên quan đến sản xuất, duy tu và bán bếp tiết kiệm nhiên liệu; góp phần nâng cao năng lực và kỹ thuật sản xuất cho những người có trình độ trong cộng đồng thông qua các chương trình đào tạo, hội thảo; thúc đẩy công nghệ sản xuất bếp trong nước để sử dụng những nhiên liệu thô sẵn có nhằm tối đa hóa hiệu suất năng lượng sẽ giúp phát triển nền công nghệ tự thân… Đồng chí Trần Thị Định, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Công việc bếp núc phần lớn do chị em phụ nữ đảm trách, bếp TKNL sẽ giúp chị em bớt khó khăn, cải thiện về sức khỏe và có nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi hoặc chăm sóc bản thân và gia đình. Từ đó, tạo điều kiện cho chị em được phát triển toàn diện”.
Từ những đánh giá tích cực của hội viên phụ nữ sau một thời gian sử dụng, có thể thấy, việc triển khai tặng bếp TKNL đã mang đến giải pháp mới giúp các gia đình còn khó khăn vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình một cách hiệu quả hơn./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên