Hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi cho vay xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho gia đình và địa phương, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Bám sát định hướng này, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) đã tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay XKLĐ, tiếp sức cho người dân đi làm việc ở nước ngoài.
Gia đình bà Hoàng Thị Vân ở xã Ái Thượng (Bá Thước) được vay vốn tín dụng chương trình cho vay XKLĐ đã có thu nhập ổn định.
Trước đây, gia đình bà Hoàng Thị Vân ở xã Ái Thượng (Bá Thước) thuộc hộ cận nghèo, cuộc sống rất khó khăn. Có ý định cho chồng, con đi XKLĐ, nhưng do chi phí xuất cảnh cao, gia đình không thể chi trả được. Thông qua chính sách tín dụng cho vay XKLĐ, năm 2020 con trai chị Vân đã được vay 100 triệu đồng để ký quỹ đi làm việc tại Hàn Quốc. Tiếp đó, năm 2021 chồng chị được vay 79 triệu làm thủ tục đi làm việc tại Đài Loan. Năm 2022, con thứ 2 tiếp tục được vay 77 triệu đi làm việc tại Đài Loan. Đến nay, chồng và các con chị đều có thu nhập ổn định để trả nợ ngân hàng và có điều kiện sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Tương tự, gia đình bà Lê Thị Ngân ở thôn Thọ Phú, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) thuộc diện cận nghèo, kinh tế eo hẹp nên các con của bà phải nghỉ học sớm để mưu sinh, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Năm 2022, con trai bà quyết định đi XKLĐ để tăng thu nhập cho gia đình. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH Ngọc Lặc mà gia đình giảm bớt được nỗi lo tài chính khi cho con xuất cảnh. Đến nay, mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt, con trai bà gửi về từ 30 đến 40 triệu đồng. Với khoản tiền này, bà có thể trả được khoản vay ngân hàng và lo cho cuộc sống của gia đình đầy đủ, tiện nghi hơn.
Giám đốc NHCSXH Ngọc Lặc Hồ Minh Hoàn cho biết, thời gian qua đơn vị luôn làm tốt vai trò là trung gian, cầu nối giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, chương trình tín dụng ưu đãi XKLĐ đã được người dân đánh giá cao về tính hiệu quả. Để tiếp tục thực hiện công tác cho vay XKLĐ, thời gian tới NHCSXH Ngọc Lặc sẽ tăng cường tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể lãnh đạo, chỉ đạo về công tác XKLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động XKLĐ, giúp người dân nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, chủ động tuyên truyền đến bà con lựa chọn những doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, uy tín, không có các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ để tránh những thiệt hại đáng tiếc khi ra nước ngoài lao động. Đến nay, dư nợ chương trình XKLĐ khoảng 8 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2023 có 12 đối tượng vay đi XKLĐ, trong đó có cả vay ký quỹ đi Hàn Quốc, một số nước châu Âu, thị trường Đài Loan...
Việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đang là hướng đi đúng, giải quyết việc làm tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trước đây nhiều người muốn đi XKLĐ thường phải xoay sở, vay mượn từ gia đình, người quen, thậm chí có khi phải đi “vay nóng” với nhiều rủi ro, hệ lụy đi kèm. Trước thực tế này, NHCSXH Thanh Hóa đã bám sát các quyết định cho vay XKLĐ của Chính phủ để chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận lợi. Đến đầu tháng 7-2023, tổng dư nợ cho vay chương trình XKLĐ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 126 tỷ đồng, với gần 1.850 lao động đang vay vốn.
Cùng với việc triển khai tốt chương trình cho vay XKLĐ, ngân hàng cũng thực hiện tốt công tác ký quỹ đối với lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 1.220 lao động được ký quỹ đi lao động tại Hàn Quốc, nâng tổng số lao động được ký quỹ đi lao động tại Hàn Quốc đến nay là hơn 5.900 lao động.
Theo quy định, các đối tượng được hỗ trợ vay vốn XKLĐ gồm: Người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng và người lao động là người dân tộc thiểu số. Mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việc triển khai kịp thời, có hiệu quả chương trình tín dụng chính sách cho vay XKLĐ của NHCSXH đã trở thành kênh dẫn vốn quan trọng góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.