Hiệu quả chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen
Trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều nông dân Đồng Tháp đã quyết định chuyển đổi sang trồng sen kết hợp làm du lịch để cải thiện kinh tế gia đình.
RUỘNG SEN NHỘN NHỊP
Đó là mô hình trồng sen kết hợp làm du lịch của gia đình chị Mai Thị Thoa ở ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, TX.Hồng Ngự. Nhờ chuyển đổi sang mô hình này, thu nhập của gia đình đã tăng hơn gấp 2-3 lần so với trồng lúa.
Chị Thoa chia sẻ, 1ha đất của gia đình chị trước đây chuyên canh trồng lúa nhưng hiệu quả rất thấp, mỗi vụ nếu trúng chỉ lãi khoảng 20 triệu đồng/ha, còn phần lớn thất bát do chuột cắn phá, thời tiết thất thường. Thấy nhiều hộ ở Tháp Mười, Tam Nông trồng sen lấy gương giá trị cao nên vợ chồng chị bàn tính chuyển hết diện tích sang trồng sen.
Để có giống sen tốt, vợ chồng chị phải xuống tận Long An mua giống về trồng. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, giống sen Đài Loan chị trồng bắt đầu cho thu hoạch, với trọng lượng khoảng 14 gương/kg. “Để có một gương sen phải ròng rả mấy tháng trời, nhưng khi đem ra chợ bán, lái chỉ thu vô 8.000 đồng/kg, quá thất vọng nên tôi quyết định về lại ruộng cất trại bán gương sen tại chỗ cho khách qua đường. Nhờ sen mới hái từ ruộng lên rất ngọt nên khách rất thích, có ngày bán khoảng 100kg sen, giá bán 20.000 đồng/kg”, chị Thoa cho biết.
Cùng với bán gương sen, người đi đường ghé mua và chụp hình tại ruộng sen của gia định chị Thoa càng đông. Được nhiều người động viên, chị quyết định đầu tư thêm các tiểu cảnh tại ruộng sen như: xây 2 cây cầu bằng tràm để khách lên tham quan, chụp ảnh; xây dựng các bè cây bằng tre để khách bước xuống ruộng sen, cùng với đó là trang trí thêm xuồng, cầu khỉ để du khách có nhiều sự lựa chọn “tự sướng cùng sen”... Theo chị Thoa, nhờ cảnh đồng sen thơ mộng nên khách rất ưa thích và tìm đến checkin, có ngày trên 100 khách đến tham quan, với mỗi vé người lớn là 10.000 đồng, học sinh 5.000 đồng.
Thương lái đến ruộng mua sen gương của anh Nguyễn Văn Thuận, tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Ảnh: M.NHÂN
SEN LỤA HIỆU QUẢ KHÔNG KÉM
Cũng chọn cách chuyển đổi 10ha đất trồng lúa sang trồng sen để bán gương (sen lụa), anh Nguyễn Văn Thuận ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười đã khấm khá lên. Theo anh Thuận, nếu thời điểm giá sen lên mức 29.000 đồng/kg, mỗi ha sen lãi 50 triệu đồng/ha/vụ (mỗi năm 2 vụ sen) là chuyện bình thường. Trồng sen chỉ cực việc hái sen, còn việc chăm sóc cũng tương đối dễ, chủ yếu là trừ bệnh thối rễ trên cây sen. Thường sen trồng ăn được 2 vụ (1 năm) là phải cày xới trồng lại để sen cho gương to, chắc hạt. Nếu để vẫn tiếp tục có thu hoạch nhưng gương sen sẽ nhỏ.
Theo anh Thuận, anh chỉ mới làm sen được 1 năm nhưng thấy “ăn” hơn lúa rất nhiều. Với giá sen lụa (hạt sen tươi chưa tách vỏ, bỏ tâm sen) từ 14.000 - 29.000 đồng/kg, năng suất trên 1,5 tấn/ha, năm rồi mỗi ha sen, anh thu lãi trên 50 triệu đồng. Từ hiệu quả bước đầu, năm 2020, anh tiếp tục phát triển trồng sen, đồng thời dành ra 3ha sen để đầu tư làm du lịch theo hướng mở cửa cho khách đến tham quan, chụp ảnh và phục vụ ăn uống tại cánh đồng sen thơ mộng, tạo điểm tham quan, du lịch mới cho du khách trong và ngoài tỉnh.
“Đến thời điểm này, nếu so về lợi nhuận thì trồng sen cao gấp mấy lần trồng lúa. Đặc biệt, nếu biết kết hợp với du lịch thì thu nhập còn được nâng lên hơn, người dân có thể sống khỏe trên cánh đồng của mình”, anh Thuận khẳng định.