Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Sóc Trăng

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp, thời gian qua huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường mở các lớp dạy nghề, qua đó mang lại những kết quả tích cực.

Bà Kim Thị Hoàng, ở ấp Trường Thọ, xã Trường Khánh những ngày đầu khi mới học nghề kết cườm bà đã muốn nghỉ, vì làm rất khó khăn, nhưng nhờ Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động, thấy được lợi ích thiết thực của việc học nghề mang lại, bà đã cố gắng vượt qua. Đến nay, bà đã làm nhuần nhuyễn các công đoạn để làm thành nhiều sản phẩm từ hạt cườm. Tùy các sản phẩm làm ra, cơ sở thu mua với giá thỏa thuận, giúp bà Hoàng có thu nhập từ 50.000đ đến 100.000đ/sản phẩm.

Bà Kim Thị Hoàng nói: "Tôi rất là mừng và cám ơn giám đốc, UBND xã và ban nhân dân ấp đã hướng dẫn cho tụi tôi học lớp kết cườm này, có thêm thu nhập, công ăn việc làm để được thoát nghèo bền vững”.

Đào tạo nghề tại huyện Long Phú từng bước giúp lao động nông thôn có việc làm và thu nhập

Đào tạo nghề tại huyện Long Phú từng bước giúp lao động nông thôn có việc làm và thu nhập

Thời gian qua, nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đã giúp người dân thấy được lợi ích thiết thực và hiệu quả của việc tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó, đã làm thay đổi nhận thức thúc đẩy bà con tham gia các lớp học nghề ngày càng đông.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã giải quyết việc làm cho hơn 2.700 lao động. Trong đó, lao động làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài là 28 người, đào tạo nghề cho 758 người. Kết quả lao động sau học nghề có việc làm đạt trên 95%. Một trong những mô hình dạy nghề có hiệu quả là mô hình đan đát hàng thủ công mỹ nghệ bằng dây lục bình và kết cườm, đa số học viên học xong nghề này đều nhận nguyên liệu về nhà, tranh thủ lúc nhàn rỗi để gia công, kiếm thêm thu nhập.

Chị Trần Thị Ngọc Bích ở ấp Chùa Ông, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú chia sẻ: "Đối với chị em phụ nữ làm công việc đồng áng, công việc nhà xong, lúc nhàn rỗi kiếm một ngày cũng được vài chục ngàn để trang trải cuộc sống”.

Khai giảng lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Khai giảng lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Long Phú. Trong năm 2023, số hộ nghèo giảm 921 hộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,37%, trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer giảm 410 hộ, giảm tỷ lệ 5,91%. Đây là kết quả từ sự đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; sự đầu tư kinh phí để mở các lớp dạy nghề đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực.

Ông Trần Văn Thuyền, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và GDTX huyện Long Phú cho biết thêm: "Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong năm 2023 trước hết thì được sự chú trọng của Huyện ủy – UBND huyện chỉ đạo công tác giáo dục nghề nghiệp được 758 người, đạt trên 250% so với chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra; công tác phối với UBND các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể huyện đã ra soát các đối tượng học nghề; kết quả đã giải quyết việc làm, có việc làm sau học nghề đạt trên 95%, so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra”.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới, lãnh đạo huyện Long Phú, cho biết, địa phương sẽ tập trung đào tạo nghề gắn với tạo việc làm mới bằng những hình thức liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hướng tới tạo điều kiện cho người lao động có việc làm ổn định ở các cơ sở trong và ngoài huyện để góp phần quan trọng và công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hieu-qua-cong-tac-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-tai-soc-trang-post1098618.vov