Hiệu quả công tác phối hợp đấu tranh, xử lý hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc
Ngày 26/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị sơ kết Kế hoạch số 15/KH-VPTT về việc phối hợp nắm tình hình, xác minh, xử lý thông tin hoạt động buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh đã xác minh 26 thông tin (tiếp nhận 10 tin từ Văn phòng Thường trực, 11 tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, 5 tin từ các lực lượng của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố) về hành vi buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ tại các kho, cụm kho trên địa bàn các quận, huyện trọng điểm của thành phố. Qua đó, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, thu giữ 36.352 đơn vị sản phẩm vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế gần 7 tỷ đồng; không có vụ việc bị xử lý hình sự. Tổng cục Quản lý thị trường cũng phối hợp Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, kiểm tra 11 tổ chức, cá nhân; tạm giữ tang vật trị giá 2,3 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 332 triệu đồng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh, một số phương thức, thủ đoạn hoạt động nổi lên thời gian qua là các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng việc được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (đất, nhà xưởng, kho bãi...) cho thuê đất, nhà xưởng, kho bãi... trái quy định để các tổ chức, cá nhân khác sử dụng làm nơi tập kết, tàng trữ hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước đối với các hoạt động xuất nhập cảnh hành khách, thuyền viên tại các cảng trong cụm cảng Sài Gòn, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm (ma túy, chất gây nghiện, động vật hoang dã…) và hàng hóa có giá trị cao (vàng, bạc, ngoại tệ, đồng hồ, điện thoại…) hoặc cố ý khai thuế rất cao nhưng trà trộn hàng cấm, hàng giả, hàng nhập khẩu có điều kiện... để qua mặt lực lượng chức năng...
Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sau khi triển khai kế hoạch từ ngày 21/5/2019, các đơn vị đã quán triệt nghiêm túc, xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo tổ chức lực lượng chủ động nắm tình hình, xác minh thông tin, tiến hành kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm trên các địa bàn trọng điểm Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần kiểm soát tình hình chung; nổi bật là triệt xóa một số cụm kho tàng trữ hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... Ông Đàm Thanh Thế cho rằng, kế hoạch phối hợp số 15 giữa Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường và Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt hiệu quả cao, trở thành hình mẫu phối hợp giữa cơ quan trung ương với địa phương trong đấu tranh với tội phạm buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp trong thời gian tới và mong muốn các địa phương khác sẽ chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Trung ương như Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh", ông Đàm Thanh Thế nhấn mạnh.
Dịp này, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã trao bằng khen và tiền thưởng tặng Cục quản lý thị trường Thành phố, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Thành phố Hồ Chí Minh và 7 cá nhân có thành tích cao trong công tác phối hợp vừa qua.