Hiệu quả công tác phối hợp liên ngành

Sau 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 2611, ngày 17/12/2021 giữa Công an tỉnh với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã đạt những kết quả tích cực. Công an tỉnh và Sở LĐ-TB&XH cùng các đơn vị liên quan đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành 20 quyết định, kế hoạch, quy chế liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, chương trình bảo vệ trẻ em; tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT); kế hoạch điều trị cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về…

Sau 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 2611, ngày 17/12/2021 giữa Công an tỉnh với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã đạt những kết quả tích cực. Công an tỉnh và Sở LĐ-TB&XH cùng các đơn vị liên quan đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành 20 quyết định, kế hoạch, quy chế liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, chương trình bảo vệ trẻ em; tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT); kế hoạch điều trị cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về…

Công an xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em cho học sinh Trường TH&THCS Kim Tiến.

Công an xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em cho học sinh Trường TH&THCS Kim Tiến.

Quá trình triển khai thực hiện quy chế phối hợp, lãnh đạo 2 ngành thường xuyên quan tâm chỉ đạo các đơn vị trong ngành nghiêm túc thực hiện các mặt công tác nhiệm vụ đề ra của quy chế phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực được giao phụ trách. Đặc biệt là phối hợp trong quản lý người nghiện ma túy, kịp thời xử lý các vụ việc học viên gây mất an ninh trật tự, bỏ trốn khỏi cơ sở; quản lý đối tượng bảo trợ xã hội; quản lý người nước ngoài vào làm việc, học tập, lưu trú tại địa phương. Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực LĐ-TB&XH, người có công; hướng dẫn quản lý, sử dụng có hiệu quả công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ cơ quan, trường học.

Công an tỉnh đã phối hợp Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo thống kê người nghiện ma túy tỉnh. Hàng năm ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai các nhiệm vụ, chương trình phòng, chống tệ nạn đến các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan về công tác cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm. Triển khai kế hoạch kiểm tra thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Đội kiểm tra liên ngành 178 của tỉnh đã thực hiện kiểm tra 75 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên toàn tỉnh, chưa phát hiện cơ sở vi phạm phải xử lý.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới phối hợp tổ chức các cuộc tuyên truyền, mở các lớp tập huấn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trong đó tập trung giáo dục kỹ năng tự bảo vệ, tránh xa các nguy cơ bị lợi dụng, bị xâm hại tình dục, tự phòng tránh tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em, góp phần hạn chế trẻ em tham gia vào các trò chơi mang tính cá cược, bạo lực, gây rối trật tự công cộng và các tệ nạn xã hội.

Trong lĩnh vực việc làm, giáo dục nghề nghiệp và bảo trợ xã hội, phối hợp thực hiện công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người CHXAPT. Từ năm 2022 đến nay đã tổ chức 7 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn định hướng giới thiệu việc làm cho 55 phạm nhân chấp hành án tại trại tạm giam, 716 lượt người THNCĐ và người thi hành án hình sự tại cộng đồng; 4 hội nghị tư vấn và 2 chương trình "Phiên chợ của tình người” tại huyện Lạc Sơn, Lương Sơn; tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho 658 người lao động và người CHXAPT về địa phương tái hòa nhập; có 22 người THNCĐ được các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp nhận đào tạo nghề và làm việc; 5 người CHXAPT được vay vốn 350 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh; phối hợp rà soát, xác minh hoàn thiện thủ tục hồ sơ đưa đối tượng lang thang, cơ nhỡ vào Trung tâm công tác xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh và xác minh đưa trở về gia đình, địa phương…

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Thời gian tới, 2 đơn vị tiếp tục trao đổi, phối hợp theo các nội dung đã ký kết. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực lao động, người có công, phòng chống vi phạm pháp luật. Triển khai các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho người CHXAPT. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, buổi truyền thông về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em…

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/195702/hieu-qua-cong-tac-phoi-hop-lien-nganh.htm