Hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở huyện Tam Dương

Với phương châm “phòng hơn chống”, trong những năm qua, huyện Tam Dương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm nhân dân trên địa bàn trong công tác phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững và nhóm PCBLGĐ" xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương tuyên truyền các thành viên tích cực xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: Kim Ly

Câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững và nhóm PCBLGĐ" xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương tuyên truyền các thành viên tích cực xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: Kim Ly

Trong năm qua, lĩnh vực văn hóa và công tác gia đình, PCBLGĐ trên địa bàn huyện đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành từ huyện đến xã, lồng ghép vào các tiêu chí chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao.

Tình hình kinh tế, văn hóa xã hội của huyện có chuyển biến về mọi mặt góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Sự phát triển KT-XH cũng làm thay đổi quan niệm về xây dựng gia đình, tạo điều kiện cho gia đình phát triển bền vững hơn trong thời đại mới, hướng tới một xã hội văn minh hiện đại.

Xác định tuyên truyền là một trong các giải pháp hàng đầu, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Luật PCBLGĐ, hoạt động tuyên truyền trên địa bàn huyện được cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú và đa dạng, tập trung vào chiến dịch tuyên truyền Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6)… và nội dung về Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật PCBLGĐ…

Tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của huyện, xã; tuyên truyền trực quan bằng băng zôn, khẩu hiệu, bảng tường… tại trung tâm xã, thị trấn; tuyên truyền bằng tranh, ảnh cổ động tại các nhà văn hóa thôn và tại trụ sở UBND các xã, thị trấn.

Đi đôi với công tác tuyên truyền, Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Hội LHPN, Công an huyện tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ phụ nữ, cán bộ văn hóa cơ sở về nghiệp vụ công tác gia đình, công tác hòa giải, hoạt động của các nhóm phòng, chống BLGĐ, địa chỉ tin cậy và các kiến thức về VSATTP, hôn nhân gia đình…

Hiện nay, trên địa bàn huyện đã thành lập địa chỉ tin cậy, đường dây nóng tại 13 xã, thị trấn; có 33 CLB Gia đình hạnh phúc và CLB Gia đình phát triển bền vững, 21 nhóm PCBLGĐ; 23 địa chỉ tin cậy, đường dây nóng nhằm phản ánh, tư vấn kịp thời các vụ việc liên quan đến BLGĐ.

Các nhóm PCBLGĐ, các CLB gia đình đã giúp người dân nâng cao nhận thức, nâng cao vai trò của gia đình; kiến thức, kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình để từng bước giảm thiểu, hạn chế tối đa các vụ BLGĐ xảy ra.

Trong năm 2021, số vụ BLGĐ trên địa bàn huyện là 25 vụ (giảm 16 vụ so với năm 2020). Trong đó, 100% số người bị bạo lực là nữ giới; bạo lực tinh thần 11 vụ (chiếm 44%); bạo lực thân thể 14 vụ (chiếm 56%).

Hầu hết các vụ việc đều được cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết kịp thời, phối hợp với các nhóm PCBLGĐ, CLB gia đình có nhiều biện pháp xử lý người gây BLGĐ, như góp ý, phê bình, răn đe trong cộng đồng dân cư (25 vụ); áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn (1 vụ); xử phạt hành chính (1 vụ).

Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Dương Bùi Đức Hiếu cho biết, công tác gia đình và hoạt động của các nhóm PCBLGĐ trên địa bàn huyện Tam Dương thời gian qua đã nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, cùng sự phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể. Nhờ đó, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Trong năm qua, tỷ lệ gia đình văn hóa của huyện Tam Dương đạt 89,3%. 100% các xã, thị trấn đã có các địa chỉ tin cậy, sẵn sàng hỗ trợ các nạn nhân của BLGĐ, điển hình như tại xã Hợp Thịnh, 6/6 thôn đều có địa chỉ tin cậy.

Các xã, thị trấn đều thiết lập được đường dây nóng tại các địa chỉ tin cậy hoặc trung tâm xã. Các mô hình CLB gia đình phát triển bền vững, nhóm PCBLGĐ được quan tâm nhân rộng về số lượng, chú trọng đến chất lượng hoạt động.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực gia đình, các kiến thức về gia đình, PCBLGĐ, Luật Bình đẳng giới…

Tiếp tục thành lập các CLB gia đình phát triển bền vững, các nhóm PCBLGĐ, duy trì hiệu quả các địa chỉ tin cậy, đường dây nóng, mở lớp tập huấn về công tác PCBLGĐ cho cán bộ xã, thôn, TDP, các tổ PCBLGĐ…

Mỗi gia đình cần có ý thức xây đắp những chuẩn mực, chủ động hợp tác, đồng hành với các ban, ngành, khu dân cư… để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa bạo lực từ những mầm mống bất hòa, mâu thuẫn.

Huyền Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/71408/hieu-qua-cong-tac-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-o-huyen-tam-duong.html