Hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân tộc thiểu số

Những năm gần đây, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh, thành đến Bình Dương làm việc, sinh sống. Để góp phần bảo đảm an ninh trật tự, ngành chức năng địa phương đã có những cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân tộc thiểu số, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

Ngành chức năng phường Khánh Bình, TP.Tân Uyên thường xuyên quan tâm, hỗ trợ người dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định

Gần gũi để tuyên truyền

Trên địa bàn TP.Tân Uyên hiện có khoảng trên 240.000 lao động đến từ nhiều tỉnh, thành, trong đó có khoảng 35.000 người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống tập trung tại các phường, như: Hội Nghĩa, Khánh Bình, Tân Phước Khánh… Đại diện Công an TP.Tân Uyên, cho biết nhằm chủ động phòng ngừa, kéo giảm tội phạm, vi phạm pháp luật, đơn vị đã chỉ đạo công an các xã, phường tăng cường “nắm hộ, nắm người”, làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự (ANTT). Đồng thời, Công an TP.Tân Uyên còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động xa quê, trong đó có cả đồng bào DTTS sinh sống tập trung trong các khu nhà trọ. Để công tác này mang lại hiệu quả, ngành chức năng thành phố thường lựa chọn nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, mang tính thời sự, gần gũi với đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của từng đồng bào DTTS.

Tại phường Khánh Bình hiện có đông người Khmer từ các tỉnh miền Tây Nam bộ đến sinh sống tập trung ở một số khu nhà trọ. Khi đến đây, người Khmer vẫn giữ nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng theo phong tục, tập quán của đồng bào mình. Trong khi đó, một số người vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp hàng ngày, việc làm dễ phát sinh những sự việc liên quan đến ANTT. Nắm được tình hình trên, Đảng ủy, UBND phường Khánh Bình đã chỉ đạo ngành chức năng thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, nhằm giữ gìn, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Không những thế, các đoàn thể phường Khánh Bình còn quan tâm chăm lo, hỗ trợ thanh niên công nhân (TNCN) xa quê nói chung và người DTTS nói riêng có cuộc sống, việc làm ổn định, không vướng vào tệ nạn xã hội, ma túy.

Đại diện UBND phường Khánh Bình cho biết địa phương hiện có 20 chi hội thanh niên công nhân (TNCN), với 524 hội viên, trong đó phần lớn là người DTTS. Định kỳ, các chi hội đều phối hợp với ngành chức năng phường tổ chức sinh hoạt, kết hợp lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin tình hình ANTT, an toàn giao thông… để cho hội viên hiểu rõ và chấp hành tốt. Hàng năm, địa phương còn tổ chức các lễ hội truyền thống cho người đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn, như Chol Chnam Thmay (tết năm mới) và Sen Dolta (cúng ông bà tổ tiên), góp phần giữ gìn bản sắc truyền thống tốt đẹp của người Khmer.

Phát huy vai trò của người có uy tín

Các địa phương còn tranh thủ những người có uy tín trong cộng đồng người DTTS để tuyên truyền, vận động đồng bào mình chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham gia giữ gìn ANTT. Tại phường Bình Hòa (TP.Thuận An), anh Triệu Vi La, Chi hội phó Chi hội TNCN nhà trọ 30B/4, khu phố Đồng An 1 đã trở thành “cầu nối” trong việc đoàn kết, tập hợp những TNCN là người Khmer xa quê. Trong nhiều năm qua, anh đã tích cực phối hợp cùng Phường đoàn Bình Hòa tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút nhiều hội viên là người Khmer tham gia. Bên cạnh đó, anh còn tích cực hỗ trợ các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, nhắc nhở TNCN người Khmer chấp hành pháp luật và tham gia bảo đảm ANTT tại nơi làm việc, nơi cư trú. Nhờ đó mà tình hình ANTT tại khu nhà trọ 30B/4, nơi có đông người Khmer sinh sống được giữ vững ổn định, không xảy ra trộm cắp tài sản hoặc những vấn đề gây ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương.

Tại TP.Dĩ An, anh Arifin, Chi hội trưởng Chi hội TNCN dân tộc phường Dĩ An đã có những đóng góp trong việc tuyên truyền, vận động người Chăm tham gia xây dựng văn minh đô thị và giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Anh luôn tích cực phối hợp với Phường đoàn vận động, tập hợp TNCN người DTTS vào sinh hoạt tại các chi hội TNCN xa quê; đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật, nhất là những chủ trương, chính sách đối với người DTTS. Ngoài ra, anh còn tích cực vận động hội viên, người DTTS tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao, phong trào thi đua do địa phương phát động, như: Phòng, chống ma túy; vệ sinh môi trường, xây dựng nhà trọ an toàn về ANTT…

Anh Arifin, cho biết được sự quan tâm của chính quyền địa phương và Phường đoàn Dĩ An, Chi hội TNCN dân tộc phường Dĩ An đã trở thành “mái nhà” thứ 2 của những người Chăm xa quê An Giang. Thông qua các buổi sinh hoạt, các hội viên luôn động viên, nhắc nhở nhau chăm chỉ làm việc, chấp hành tốt quy định pháp luật và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Khi hội viên nào gặp những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống thì được chi hội quan tâm giúp đỡ hoặc nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đoàn thể...

Tính đến tháng 12-2024, toàn tỉnh có 2.025 chi hội TNCN nhà trọ, 47 chi đoàn thanh niên xa quê, 54 chi đoàn trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, 193 chi hội TNCN trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước và 102 câu lạc bộ, đội, nhóm… Trong đó, nhiều chi hội TNCN dân tộc tại một số địa phương, như: Dĩ An, Bình An, Tân Bình (TP.Dĩ An); Bình Hòa (TP.Thuận An); Hội Nghĩa, Khánh Bình (TP.Tân Uyên)… đang hoạt động hiệu quả, trở thành “điểm tựa” cho TNCN người DTTS.

NGUYỄN HẬU

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/hieu-qua-cong-tac-tuyen-truyen-phap-luat-cho-nguoi-dan-toc-thieu-so-a339309.html