Hiệu quả của tiêu dùng cuối cùng ở nông thôn hơn hẳn thành thị

Việt Nam là một nước nông nghiệp với nền văn hóa 'lúa nước'. Trong những thập niên gần đây, bên cạnh thành tựu tăng trưởng kinh tế tương đối cao, dường như đang xuất hiện xu hướng 'công nghiệp hóa, hiện đại hóa' ở khắp các địa phương trong cả nước.

Người dân Việt Nam từ bỏ sở trường gắn với trồng trọt, chăn nuôi có từ lâu đời để trở thành công nhân và người thành thị. Khi sở trường không được phát huy trong khi buộc phải sử dụng sở đoản thì rủi ro thất bại khá cao.

Tỷ lệ chế biến sâu của nông sản ở nông thôn còn khá kém. Ảnh: T.L

Tỷ lệ chế biến sâu của nông sản ở nông thôn còn khá kém. Ảnh: T.L

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, dân số đô thị đã tăng liên tục trong giai đoạn 2010-2022, trong khi dân số của khu vực nông thôn giảm hoặc tăng không đáng kể trong nhiều năm. Cơ cấu dân số của khu vực đô thị tăng từ 30,4% năm 2010 lên 37,55% năm 2022.

Tốc độ và cấu trúc dân số đô thị và nông thôn thay đổi tương đối nhanh về cơ bản do quá trình xây dựng và đô thị hóa (tỷ lệ sinh ở đô thị không cao như ở nông thôn); người dân ở nông thôn trở thành người thành thị về mặt hình thức, dù suy nghĩ và trái tim vẫn là người nông dân thuần hậu.

Đôi khi, việc người ta trở thành cái gì đó không thực sự là bản chất của mình có thể dẫn đến nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống tinh thần và vật chất, hoặc có thể trở nên “hung dữ” hoặc cảm thấy cô đơn, mang trong mình những hoài niệm và nhớ chính mình. Đây có phải là một trong những nguyên nhân ở vùng ngoại ô và vùng mới chuyển đổi từ nông thôn sang thành thị nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội hơn trước khi đô thị hóa?

Sử dụng mô hình nhân khẩu kinh tế kiểu Miyazawa để phân tích cho thấy:

– Tiêu dùng cuối cùng dân cư của khu vực nông thôn lan tỏa đến thu nhập của khu vực thành thị nhiều hơn tiêu dùng cuối cùng dân cư của thành thị lan tỏa đến thu nhập của khu vực nông thôn (0,093 so với 0,079).

– Một điều đáng chú ý là chi tiêu dùng của Chính phủ (chi thường xuyên) cơ bản lan tỏa đến thu nhập của khu vực thành thị; nhân tố này lan tỏa đến thu nhập của thành thị gấp 3,09 lần so với lan tỏa đến thu nhập của khu vực nông thôn.

– Một đơn vị xuất khẩu hàng hóa hầu như lan tỏa đến thu nhập rất ít ỏi cho cả thành thị và nông thôn.

– Xuất khẩu dịch vụ cơ bản lan tỏa đến thu nhập của khu vực thành thị được ghi nhận là lớn hơn khu vực nông thôn.

– Xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp lan tỏa kém đến khu vực thành thị, vì sản phẩm nông, lâm, thủy sản vẫn chưa được gia công hóa toàn diện như sản phẩm của công nghiệp chế biến. Điều này cũng có nghĩa là tỷ lệ chế biến sâu của nông sản xuất khẩu còn khá kém.

– Về tổng quát, bình quân một đơn vị cầu cuối cùng của khu vực nông thôn lan tỏa đến thu nhập chung cao hơn một đơn vị cầu cuối cùng của khu vực thành thị (0,236 so với 0,152).

– Hầu hết cầu cuối cùng của nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo sản phẩm nông nghiệp lan tỏa đến thu nhập của khu vực nông thôn cao hơn mức bình quân chung.

Nói chung, tiêu dùng cuối cùng của khu vực nông thôn lan tỏa mạnh hơn tiêu dùng cuối cùng của khu vực thành thị, nó không chỉ tạo ra tác động lan tỏa đến giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm và thu nhập của chính họ mà còn tạo ra tác động lan tỏa đến giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm và thu nhập của khu vực thành thị khá mạnh. Như vậy có thể thấy việc đô thị hóa cần gắn với cấu trúc ngành của nền kinh tế.

Hy vọng, nghiên cứu này có thể phần nào giúp các nhà hoạch định chính sách cân nhắc các lựa chọn khi đưa ra các chính sách.

Bùi Trinh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hieu-qua-cua-tieu-dung-cuoi-cung-o-nong-thon-hon-han-thanh-thi/