Hiệu quả của việc giao rừng cho cộng đồng quản lý ở Hướng Hóa
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc giao rừng tự nhiên cho cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân quản lý, trong những năm qua, huyện Hướng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp phát huy sức mạnh của người dân trong việc bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cho cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng và ven rừng; làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Năm 2017, thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng được huyện Hướng Hóa giao quản lý, bảo vệ trên 670 ha rừng. Nhận thức sâu sắc về ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng, thôn Chênh Vênh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của ban quản lý rừng cộng đồng. Nhờ đó, ý thức bảo vệ rừng của người dân thôn Chênh Vênh ngày càng được nâng lên đáng kể, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng cũng như lợi ích cho cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh Hồ Văn Chiến cho biết: “Nhờ được tuyên truyền, vận động, giải thích về lợi ích từ rừng mang lại nên hầu hết người dân trong thôn tích cực tham gia bảo vệ rừng. Đặc biệt, nhận khoán bảo vệ rừng, bà con còn có việc làm, nâng cao thu nhập lại bảo vệ được môi trường. Để không xảy ra tình trạng xâm hại rừng, tổ chúng tôi thường xuyên cắt cử người đi tuần tra khu vực rừng mà thôn đảm nhận bảo vệ. Do đó, rừng sinh trưởng tốt hơn trước nhiều, diện tích rừng tự nhiên bị xâm hại giảm đáng kể”.
Hướng Hóa có diện tích rừng trên 51.000 ha, trong đó rừng tự nhiên trên 40.000 ha. Từ năm 2005 đến nay, huyện đã tiến hành bàn giao rừng cho 30 cộng đồng dân cư và 149 hộ gia đình quản lý với tổng diện tích trên 6.500 ha. Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống người dân sống ven rừng, huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng, nâng cao vai trò trách nhiệm của các địa phương trong việc bảo vệ và phát triển rừng, huyện đã tăng cường các giải pháp thiết thực ,tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nhất là tuyên truyền tận nơi, sát với cộng đồng, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ tài nguyên rừng. Nâng cao vai trò của ban chỉ đạo công tác giao rừng cấp huyện, giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã.
Chỉ đạo thành lập các tổ công tác giao rừng cấp xã, ban quản lý rừng cộng đồng ở các thôn. Tạo mạng lưới liên hệ chặt chẽ giữa các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, nâng cao vai trò của các ban quản lý rừng cộng đồng ở các thôn. Xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng. Theo đó, tổ bảo vệ rừng có trách nhiệm tổ chức lực lượng, triển khai công tác tuần tra định kỳ để nắm bắt tình hình biến động rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phòng, chống các hành vi xâm hại rừng; triển khai các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt năm 2021, rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng và rừng cộng đồng thôn Hồ, xã Hướng Sơn trở thành 2 khu rừng cộng đồng đầu tiên của Việt Nam được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng quốc tế FSC (FSC).
Nhờ triển khai đồng bộ, sát thực và quyết liệt nên việc giao rừng cho cộng đồng quản lý ở huyện Hướng Hóa bước đầu đem lại kết quả tích cực. Những khu rừng do cộng đồng quản lý luôn được bảo vệ tốt bởi ý thức của cộng đồng ngày càng được nâng cao. Phát huy được sức mạnh tổng hợp trong cộng đồng thôn, lực lượng bảo vệ rừng đông hơn và có tổ chức trong quá trình thực hiện nên việc đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng hiệu quả hơn. Việc xâm lấn, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm hẳn và dần được kiểm soát ngăn chặn, trữ lượng rừng tại các khu rừng cộng đồng quản lý đều tăng. Hiệu quả này bước đầu đem lại nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương vùng gần rừng. Từ tiềm năng này, thời gian qua một số tổ chức, dự án đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển rừng như dự án PROSPER - do Liên minh Châu Âu (EU), Tổ chức phi chính phủ Y tế Việt Nam - Hà Lan (MCNV) phối hợp tài trợ tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức về chứng nhận quản lý rừng bền vững, quản lý tài nguyên rừng, khai thác lâm sản bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học.
Ngoài ra tổ chức MCNV còn triển khai dự án hỗ trợ trồng 270 ha rừng trẩu xen cây lát hoa, xoan nhừ, gáo trắng… ở rừng Chênh Vênh (Hướng Phùng) và rừng thôn Hồ (Hướng Sơn) để phát triển sinh kế lâm sản ngoài gỗ; hỗ trợ phát triển vườn ươm cây giống; xây dựng mô hình du lịch sinh thái gắn liền với rừng cộng đồng. Chất lượng các khu rừng cộng đồng trên địa bàn huyện Hướng Hóa ngày càng được nâng cao. Đây là thành quả bước đầu tạo động lực cho Hướng Hóa tiếp tục nâng cao chất lượng các khu rừng do cộng đồng quản lý và tiếp tục làm tốt công tác giao rừng trong giai đoạn tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho hộ gia đình, cá nhân được giao rừng hiểu rõ về trách nhiệm, quyền lợi được hưởng đối với việc nhận và bảo vệ diện tích rừng được giao. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng xây dựng phương án, kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng, thành lập các tổ bảo vệ rừng phù hợp với tình hình thực tế từng cộng đồng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ quản lý rừng cộng đồng. Thường xuyên tổ chức đánh giá để có hướng khắc phục những hạn chế, đồng thời nhân rộng các mô hình tổ bảo vệ rừng có cách làm hay, sáng tạo và đạt hiệu quả cao.
Đồng thời, để thực hiện tốt công tác giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân, đề nghị các cấp quan tâm có cơ chế hưởng lợi cụ thể đối với các diện tích rừng được giao cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý, bảo vệ nhưng không có chi trả tiền từ dịch vụ môi trường rừng. Có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí giao rừng gắn với giao đất để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt kế hoạch giao rừng hằng năm theo quy định”.