Hiệu quả đáng chú ý từ chương trình khảo sát chính thức SEA-PLM

Chương trình khảo sát chính thức SEA-PLM là cơ hội để cải thiện nền giáo dục, xây dựng các chính sách mới theo hướng tích cực.

Trường TH Xuân Lập, Đồng Nai.

Trường TH Xuân Lập, Đồng Nai.

Đánh giá năng lực phẩm chất

Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM) được thực hiện theo sáng kiến của Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO), Văn phòng khu vực Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Văn phòng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (UNICEF EAPRO).

Chương trình được kỳ vọng sẽ giúp đỡ xây dựng các hệ thống đánh giá học tập hiệu quả cho các nước thành viên, cho phép các quốc gia này theo dõi kết quả học tập của học sinh và xây dựng các chính sách hợp lý, từ đó góp phần mang lại nền giáo dục công bằng và có ý nghĩa hơn cho trẻ em trong khu vực.

Kể từ lần đầu tiên tham gia chương trình, Việt Nam đã có nhiều bài học kinh nghiệm được cán, bộ giáo viên đúc kết trong đó đáng chú ý là cơ hội để đổi mới trong phương pháp giảng dạy cũng như đánh giá học sinh.

Cô giáo Ma Thị Kim Khanh – giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Khai, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang cho biết: ”Sau chương trình đánh giá học sinh lớp 5 ngày hồi tháng 5/2019, giáo viên đã chủ động, đánh giá năng lực học sinh theo hướng tích cực hơn theo hướng phát huy năng lực của học sinh. Đó là điểm điểm tiến bộ so với trước đây, khi đánh giá học sinh vẫn mang tính cảm tính, truyền thống và có phần áp đặt”.

Đứng ở góc độ quản lý, ông Ma Phúc Diện, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang cũng bày tỏ: “Qua nội dung khảo sát của năm 2019 vừa rồi, giáo viên được bổ sung phương pháp đánh giá toàn diện hơn với nhiều kỹ thuật mới, đặc biệt là về phẩm chất, năng lực cũng như trang bị một số kỹ năng hiểu biết rộng hơn về gia đình, cộng đồng, xã hội, cũng như các nội dung đánh giá công dân toàn cầu”.

 Trường TH Lộc Sơn 1, Huế

Trường TH Lộc Sơn 1, Huế

Đi sâu vào những điểm khác biệt trong phương pháp đánh giá mới, cô Nguyễn Thị Tuyết, Trường Tiểu học Hoàng Khải, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang cho hay: “Cách đánh giá này khác biệt với chương trình cũ ở chỗ thay vì chỉ đánh giá học sinh dựa trên điểm số, từ điểm số quy ra mức độ thì hiện tại chúng tôi đánh giá phẩm chất, năng lực.

Ví dụ một học sinh tiến bộ so với năng lực của em điều đó cũng được ghi nhận dù theo tiêu chuẩn điểm số chưa đạt”.

Còn với Cô giáo Trần Thị Thùy Linh, Trường Tiểu học số 1 Ia Băng, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, ngoài việc đánh giá về toán, đọc hiểu và viết một phần quan trọng nữa là đánh giá tiêu chí giáo dục công dân toàn cầu.

“Cách đánh giá truyền thống tập trung vào phần nhận thức của các em, nhưng hiện tại không chỉ đánh giá nhận thức và kiến thức mà còn đánh giá thêm các hoạt động xã hội, giao tiếp, những hoạt động phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh”, cô Linh cho biết.

Phản ứng tích cực từ phụ huynh

Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á đã mang đến những thay đổi rõ rệt trong phương pháp dạy và học của thầy trò, theo đó, những người cảm nhận rõ nhất sự chuyển dịch này là phụ huynh học sinh.

Chị Ma Hồng Việt, có con đang theo học tại Trường Tiểu học Hoàng Khai, Chiêm Hóa, Tuyên Quang cho biết: “Thời gian qua nhà trường đã có những kế hoạch giảng dạy phù hợp với học sinh. Trong đó hàng tháng kiểm tra học sinh định kỳ, sau một thời gian tôi thấy con mình tiến bộ hơn trong học tập.

Ngoài việc thường xuyên trao đổi, rèn rũa kiến thức cho học sinh, nhà trường còn có những hoạt động ngoại khóa để rèn kĩ năng sống, kỹ năng giao tiếp. Giúp con tôi trở nên tự tin không còn nhút nhát như trước”.

 Trường TH Mai Dịch, Hà Nội.

Trường TH Mai Dịch, Hà Nội.

Anh Châu Thanh Bình, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Pleiku, Gia Lai cũng bày tỏ: “Hoạt động kiểm tra của nhà trường ngày càng thực chất hơn, đánh giá qua kết quả nhà trường thông báo về và qua theo dõi cháu, tôi thấy sát với thực tế. Trong ban chi hội phụ huynh các phụ huynh cũng đều đánh giá tốt về tình hình học tập của các cháu và phương pháp kiểm tra của thầy cô”.

Được nghe thầy cô giới thiệu về đánh giá học sinh, chị Hoàng Thị Minh Châm, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thành phố Pleiku, Gia Lai chia sẻ lại: “Các thầy cô đánh giá năng lực của các con thông qua việc tổ chức hoạt động trong lớp cũng như trong cư xử hàng ngày đối với thầy cô và các bạn.

Khi các con trong quá trình học có những kỹ năng hỗ trợ lẫn nhau trong lớp, tự giác phân công nhau sửa bài tập, thì đó là những điểm cộng lớn”.

Thông qua chương trình, các nhà trường mong muốn nhanh chóng xây dựng được quy chuẩn đánh giá, theo đó chị Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Ia Băng, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai trình bày: “Dựa trên kết quả thực tế đã thực hiện trong giai đoạn 2018-2021 vừa qua, nhà trường mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn hóa quy trình, chuẩn bị cho các chương trình đánh giá và có hướng dẫn chi tiết xây dựng kế hoạch triển khai định kỳ, thường xuyên.

Bên cạnh đó cần xây dựng bộ công cụ đánh giá cụ thể để trường học có cơ sở tiếp tục phân tích đánh giá và sử dụng các dữ liệu này trong công tác chỉ đạo, đặc biệt cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, các đối tượng tham gia đánh giá, nhất là phụ huynh học sinh”.

Văn Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hieu-qua-dang-chu-y-tu-chuong-trinh-khao-sat-chinh-thuc-sea-plm-post725632.html