Hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở Mường Lay
ĐBP - Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Ðề án 1956, những năm qua, thị xã Mường Lay đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề. Từ đó, giúp lao động nông thôn trên địa bàn nâng cao tay nghề, tìm kiếm việc làm tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nhờ được đào tạo nghề nông nghiệp, nhiều lao động nông thôn trên địa bàn thị xã Mường Lay đã vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Người dân phường Sông Ðà chăm sóc đàn gia cầm.
Ðể triển khai thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thị xã Mường Lay đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho người lao động, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về dạy nghề. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng như: Tuyên truyền thông tin lưu động; lồng ghép họp bản, tổ dân phố dân; phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên... Hàng năm, thị xã chủ động tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho phù hợp tình hình thực tế. Nhờ vậy, những năm qua công tác đào tạo nghề cho lao động thôn trên địa bàn thị xã đạt kết quả tích cực, thu hút nhiều lao động tham gia học nghề, nhất là các nghề nông nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, thị xã đã mở được 21 lớp đào tạo nghề cho hơn 630 lao động nông thôn trên địa bàn, bao gồm: 3 lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò; 4 lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn; 2 lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gà; 3 lớp kỹ thuật trồng cây ăn quả; 1 lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho thủy cầm (ngan, ngỗng, vịt); 8 lớp chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ. Ðáng chú ý, chất lượng lao động đã có bước cải thiện đáng kể, đa số lao động sau khi được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề đã áp dụng có hiệu quả vào việc phát triển sản xuất của gia đình; nhiều hộ đã xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả cho nguồn thu nhập ổn định. Xuất phát từ nguyện vọng của người lao động và thực tế sản xuất tại địa phương, thị xã đã xây dựng được một số mô hình thí điểm về chăn nuôi, trồng trọt để nhân rộng, như: Mô hình chăn nuôi gà thả vườn, trồng nấm sò trên nguyên liệu mùn cưa, chăn nuôi lợn, trồng đậu tương, lạc.
Những năm trước đây, gia đình ông Lò Văn Chuyển, bản Xá, phường Na Lay hết sức khó khăn. Do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất nên cuộc sống gia đình thường xuyên thiếu đói, bản thân ông phải đi làm thuê, đánh bắt thủy sản nhưng thu nhập cũng rất bấp bênh. Ðược tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn, ông đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã để đầu tư chăn nuôi trâu, bò sinh sản kết hợp với nuôi lợn thịt. Bản tính cần cù, chịu khó cộng với việc chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đàn gia súc của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Ngay năm đầu tiên, ông đã thu lãi gần 80 triệu đồng từ chăn nuôi. Sau khi có kinh nghiệm và lợi nhuận, ông tiếp tục mở rộng số lượng đàn, đồng thời chăn nuôi thêm dê và gia cầm. Nhờ vậy, gia đình đã thoát khỏi cảnh khó khăn, có nguồn thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng/năm.
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thị xã Mường Lay đã đạt những kết quả tích cực. Nhận thức về học nghề, việc làm của người lao động đã có sự chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn được nâng cao (hiện đạt 48%), năng suất và thu nhập của người lao động từng bước được nâng lên. Qua đó, giúp lao động nông thôn cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa đói giảm nghèo.