Hiệu quả Đề án 02 về cải tiến tang lễ tại huyện Bắc Mê
Trong nỗ lực xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, cải tiến nếp sống, huyện Bắc Mê đã triển khai Đề án số 02-ĐA/HU ngày 16.5.2022 nhằm thay đổi cách tổ chức tang lễ, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa xây dựng đời sống văn minh. Sau hai năm thực hiện, đề án không chỉ mang lại những thay đổi rõ nét trong nhận thức và hành động của người dân mà còn giúp tiết kiệm chi phí, giảm lãng phí, đồng thời bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc.
Hành trình thực hiện cải tiến tang lễ
Đồng chí Bồn Văn Quốc, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy cho biết: Trước khi Đề án 02-ĐA/HU được triển khai, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Bắc Mê đã phải chịu áp lực lớn từ những hủ tục lạc hậu trong tang lễ. Việc tổ chức đám tang kéo dài nhiều ngày, mổ quá nhiều gia súc, dựng lán ngoài đồng hay tổ chức lễ tế riêng rẽ không chỉ gây lãng phí mà còn để lại những món nợ lớn về kinh tế cho nhiều gia đình. Đặc biệt, với những hộ nghèo, chi phí tang lễ trở thành gánh nặng vượt quá khả năng chi trả, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống sau tang sự.
Đề án được triển khai với sự đồng bộ, quyết liệt từ cấp lãnh đạo đến các thôn, bản. Ban Chỉ đạo bài trừ các hủ tục và cải tiến tang lễ được thành lập tại tất cả 13 xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời, 139 thôn, bản đã thiết lập các ban tang lễ, đảm nhận vai trò hỗ trợ tang chủ tổ chức các đám tang gọn nhẹ, trang trọng và tiết kiệm. Với sự phối hợp của các lãnh đạo thôn, thầy cúng, các thành viên ban tang lễ đã giúp điều hành nghi thức, giảm bớt các lễ tế rườm rà và đảm bảo thời gian tang lễ không kéo dài quá 48 giờ.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm thay đổi nhận thức của người dân, vốn đã quen với những tập tục lâu đời. Trong hai năm qua, hơn 50.000 lượt người dân đã tham gia các buổi tuyên truyền, hội thảo, hội thi cấp huyện và cấp xã. Các hình thức tuyên truyền đa dạng như phát tờ rơi, tổ chức hội thi "Dân vận khéo", tuyên truyền lưu động tại chợ phiên và tại các buổi họp thôn đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhờ đó, những phong tục lạc hậu như không đưa thi thể vào áo quan, dựng lán ngoài đồng hay tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày đã từng bước được loại bỏ.
Sự vào cuộc của các nghệ nhân dân gian và những người có uy tín trong cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng. Họ không chỉ là những người tiên phong thực hiện mà còn trực tiếp vận động, khích lệ các gia đình thực hiện cải tiến theo nội dung của đề án.
Tiết kiệm chi phí, giữ gìn bản sắc và tác động lâu dài
Sau hai năm triển khai, đề án đã ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật. Với dân tộc Tày, 156 đám tang đã được tổ chức theo cách thức mới. Trong đó, 146 đám không để thi thể trong nhà quá 24 giờ và hoàn tất trong thời gian không quá 48 giờ. Các nghi thức lễ tế rườm rà được gộp lại, tạo nên sự tiện lợi và tiết kiệm cho gia đình tang chủ.
Cộng đồng dân tộc Mông cũng cho thấy sự chuyển biến rõ rệt. Trong tổng số 107 đám tang, 58 đám đã đưa thi thể vào áo quan trước khi tổ chức lễ tang, giảm đáng kể thời gian và chi phí. Việc mổ nhiều gia súc trong đám tang giảm mạnh, và hầu hết các gia đình chỉ tổ chức ăn uống hai bữa chính, tránh tình trạng lãng phí thực phẩm và ô nhiễm môi trường.
Riêng với dân tộc Dao đỏ, 100% các hộ gia đình đã thực hiện việc đưa người quá cố vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ. Đây là một bước tiến lớn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều dòng họ trước đây giữ quan niệm người chết không nên được khâm liệm trong quan tài. Ngoài ra, các gia đình Dao đỏ cũng đồng thuận không chôn cất người đã khuất gần nhà, một sự thay đổi đáng kể so với tập tục truyền thống.
Ông Hoàng Văn Sơn, một thầy tạo (hay còn gọi là thầy cúng tại đám tang) tại thôn Nà Nưa I, xã Đường Hồng, chia sẻ: “Là người thực hiện nghi lễ, tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn phong tục nhưng cũng cần loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Tham gia đề án, tôi đã vận động nhiều gia đình rút ngắn thời gian tang lễ, gộp các lễ tế, vẫn đảm bảo trang trọng mà không gây lãng phí. Tôi thấy đây là cách làm đúng đắn, phù hợp với đời sống hiện đại”.
Những kết quả này không chỉ mang lại lợi ích về mặt vật chất mà còn có tác động tích cực về mặt tinh thần. Chi phí tổ chức tang lễ đã được giảm đáng kể, với nhiều gia đình tiết kiệm từ 10 đến 70 triệu đồng. Tính cộng đồng được tăng cường khi người dân cùng nhau hỗ trợ tổ chức tang lễ một cách hài hòa, tiết kiệm nhưng không làm mất đi tính trang trọng.
Bên cạnh việc cải tiến, đề án cũng đặt trọng tâm vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tang lễ giờ đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ người đã khuất mà còn trở thành cơ hội để gìn giữ và truyền lại những nét đẹp văn hóa đặc sắc, giúp tăng cường tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.
Đồng chí Thèn Văn Quân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, nhấn mạnh: “Đề án cải tiến đám tang không chỉ là nhiệm vụ bài trừ hủ tục mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng nếp sống văn minh, tiết kiệm cho người dân. Qua hai năm triển khai, đề án đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt, từ nhận thức đến hành động, giúp giảm gánh nặng kinh tế, loại bỏ nhiều phong tục lạc hậu, đồng thời bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống. Thành công bước đầu này chính là nền tảng để Bắc Mê tiếp tục vươn tới sự phát triển bền vững”.
Đề án số 02-ĐA/HU không chỉ là một sáng kiến về cải tiến tang lễ mà còn là một bước đi mạnh mẽ trong hành trình xây dựng đời sống văn minh, hiện đại tại huyện Bắc Mê. Sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân chính là động lực để huyện tiếp tục duy trì và mở rộng thành quả này trong tương lai, hướng đến một xã hội phát triển bền vững, giàu bản sắc.