Hiệu quả Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ ở Hà Quảng

Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) góp phần giúp huyện Hà Quảng từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở cộng đồng, làm thay đổi diện mạo nông thôn và công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Với mục tiêu nâng cao thu nhập và giảm mức dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu (BĐKH) của hộ nghèo và cận nghèo tại các xã mục tiêu của Dự án một cách bền vững, từ năm 2017 đến nay, thực hiện kế hoạch đầu tư chiến lược (SIP), huyện triển khai xây dựng 32 bản Kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị (VCAP), trong đó, cấp huyện 4 bản, cấp xã 28 bản. Khi được phê duyệt, VCAP là căn cứ để phân công tổ chức thực hiện phát triển chuỗi giá trị thế mạnh của địa phương, được lồng ghép và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã có sự tham gia của người dân theo định hướng thị trường và thích ứng với BĐKH (MOP-SEDP).

Thực hiện các chuỗi giá trị, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện rà soát, chỉnh sửa nội dung các SIP, VCAP có thích ứng với BĐKH, lồng ghép các nguồn lực phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện các sản phẩm OCOP; hỗ trợ liên kết phát triển các chuỗi giá trị tiềm năng của địa phương như: trồng gừng trâu, lạc, nuôi lợn… Dự án tổ chức gần 130 lớp tập huấn về BĐKH và một số kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt thích ứng với BĐKH để nâng cao nhận thức cho người dân nhận biết các hiện tượng thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất; hướng đến mục tiêu mỗi hộ gia đình trong vùng dự án có thể áp dụng ít nhất 2 kỹ thuật sản xuất thích ứng với BĐKH. Các VCAP góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống, giảm nghèo. Các hộ chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi giá trị từ khâu cung ứng con giống, cây giống bảo đảm chất lượng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình ủ chua thức ăn gia súc của nhóm đồng sở thích Tềnh Khoang 1, Tềnh Khoang 2, xóm Phục Quốc 2, xã Lương Thông (Hà Quảng).

Mô hình ủ chua thức ăn gia súc của nhóm đồng sở thích Tềnh Khoang 1, Tềnh Khoang 2, xóm Phục Quốc 2, xã Lương Thông (Hà Quảng).

Toàn huyện thành lập và duy trì 328 nhóm đồng sở thích (CIG) với tổng quỹ nhóm hơn 29 tỷ đồng, trong đó có 310 nhóm nhận hơn 20,7 tỷ đồng tiền tài trợ từ quỹ CSA. Có 4.260 hộ tham gia vào các nhóm CIG, đa số là các hộ sản xuất nông nghiệp, dễ bị tổn thương bởi BĐKH, trong đó có 2.917 hộ cận nghèo. Nguồn quỹ CSA được nhóm tự quản lý, cùng với tiền đóng góp của người dân và lãi thu được từ hoạt động cho vay trong nội bộ đã hình thành nên một khoản quỹ nhóm thiết thực, hiệu quả, dễ tiếp cận để hỗ trợ các thành viên CIG phát triển sản xuất. Sau khi dự án kết thúc, nguồn quỹ này sẽ giao về UBND các xã để quản lý. Nguồn vốn của dự án sẽ được bố trí để lồng ghép với các chương trình khác và thực hiện một số mô hình thích ứng với BĐKH tại các xã như: mô hình lò sấy nông sản chuyên dùng để sấy ngô hạt và các loại nông sản khác, mô hình gừng trâu tại xã Cải Viên; mô hình ủ chua thức ăn bằng thùng nhựa để phục vụ chăn nuôi trâu, bò tại các xã: Thượng Thôn, Mã Ba, Tổng Cọt. Ngoài ra, còn các mô hình trồng cỏ pakchong, nuôi gà thả vườn, trồng rau quả nhà lưới, trồng dược liệu, nuôi lợn đen, cung cấp máy ấp trứng cỡ nhỏ, cân điện tử cho nhóm chăn nuôi…

Triển khai thực hiện tiểu hợp phần hạ tầng cơ sở cộng đồng, giai đoạn 2019 - 2021, huyện thực hiện 65 công trình, đã quyết toán 52/65 công trình; năm 2022 được phê duyệt 11 công trình, đã hoàn thành 8 công trình. Các công trình được đầu tư đúng mục đích và hiệu quả gắn với các chuỗi giá trị phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, qua đó giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là những hộ dễ bị tổn thương.

Chủ tịch UBND xã Mã Ba Hoàng Văn Cương cho biết: Xã có 447 hộ/7 xóm, với trên 62% hộ nghèo và 13,2% hộ cận nghèo, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có 22 nhóm CIG với 296 thành viên, trung bình 10 - 15 thành viên/nhóm. Các nhóm chủ yếu tập trung chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Việc thành lập các nhóm CIG do Dự án CSSP tỉnh hỗ trợ góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế gia đình. Người dân khi tham gia nhóm CIG được chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường nhanh và tương đối chính xác; biết lập kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, quản lý tài chính hộ chặt chẽ hơn. Hiện nay, 7/7 xóm có đường nông thôn; 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% chuồng chăn nuôi được di dời ra khỏi gầm sàn nhà ở; người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thu nhập bình quân năm sau cao hơn năm trước; trung bình các tổ, nhóm có thu nhập tăng thêm từ các hoạt động CSA đạt 15 - 20% so với khi không có đầu tư.

Giai đoạn 2017 - 2024, Dự án CSSP trên địa bàn huyện Hà Quảng giải ngân trên 184 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn IFAD trên 163 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng của Chính phủ GOV trên 21 tỷ đồng. Có 107 hộ tham gia Tiểu dự án 2, Dự án 3 phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Từ nguồn dự án hỗ trợ, có 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, 17 công trình được đầu tư, gồm: các dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đường, công trình nước sinh hoạt và cầu treo.

Lam Giang

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hieu-qua-du-an-ho-tro-kinh-doanh-cho-nong-ho-o-ha-quang-3171481.html