Hiệu quả giảm nghèo bền vững tại miền núi của Thừa Thiên Huế
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung thực hiện nhiều giải pháp, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tranh thủ tối đa các nguồn lực của Trung ương, địa phương, cộng đồng và người dân, các nguồn xã hội hóa... Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm liên tục từ 4,93% năm 2021 xuống còn 2,27% năm 2023.
Có hơn 95% người dân đồng bào dân tộc thiểu số, A Roàng là một trong 12 xã biên giới của huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) giáp với nước bạn Lào. Là địa bàn nằm cách trở, hẻo lánh, sản xuất manh mún, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn thế nhưng từ khi thụ hưởng nguồn vốn đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới (NTM) cùng với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, A Roàng có nhiều đổi thay.
Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước kết hợp với sự đóng góp của người dân, đến nay, nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, đường ngõ dài hơn 4km của xã A Roàng đã được cứng hóa 100%, bảo đảm đi lại thuận tiện cho bà con. Ngoài ra, hệ thống nước sạch, điện lưới quốc gia được kéo tới các thôn, bản; trường học, trạm y tế, các công trình thủy lợi và cơ sở hạ tầng khác cũng được đầu tư xây dựng khang trang, giúp cho A Roàng có diện mạo hoàn toàn khác so với trước đây.
Ông Thái Đặng Nhật Quang, Bí thư Đảng ủy xã A Roàng cho biết, bằng các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, xã đã mở rộng diện tích trồng các loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế, mang lại thu nhập cho bà con. A Roàng cũng tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh trong du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm gắn với du lịch văn hóa truyền thống dân tộc; duy trì các lễ hội A Za, bảo tồn và phát huy nghề dệt Zèng và nghề đan lát truyền thống.
Là huyện nghèo của tỉnh Thừa Thiên Huế, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM tại huyện miền núi A Lưới đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo huyện A Lưới giảm từ 49,98% năm 2021 xuống còn 24,3% cuối năm 2023, bình quân hàng năm giảm 8,56%, vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, huyện đã và đang đẩy mạnh triển khai tạo việc làm, xóa nhà tạm cho người dân. Bên cạnh đó, nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao đã và đang được triển khai nhân rộng như: trồng chuối già lùn, nấm, sâm bố chính, chăn nuôi bò, lợn hữu cơ... Điển hình như mô hình trồng chuối già lùn của ông Nguyễn Hải Teo, trú tại thôn Pi Ây 2 (xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới). Theo ông Nguyễn Hải Teo, năm 2018, qua tìm hiểu và biết được giống chuối già lùn thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, ông đã đầu tư số vốn 500 triệu đồng để làm vườn, mua giống. Từ vụ chuối đầu tiên cho thu nhập cao, ông đã mở rộng trồng thêm hàng trăm gốc chuối già lùn. Đến nay sau hơn 4 năm triển khai, vườn chuối của gia đình ông Teo mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Tại huyện miền núi Nam Đông, nhờ triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo bằng sự lồng ghép đầu tư, hỗ trợ của các chương trình dự án, bộ mặt nông thôn khởi sắc, gần 100% đường sá ở huyện được bê tông hóa, khoảng cách giàu nghèo giữa các xã đã được rút ngắn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, việc triển khai giảm nghèo bền vững giúp huyện đạt được những thành tựu cơ bản trong hầu hết các lĩnh vực về đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Đến cuối năm 2023, tổng tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 của huyện giảm từ 5,3% xuống còn 2,62% (chỉ tiêu giao còn 3,2%) và không có phát sinh tái nghèo…
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương và toàn xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo đã góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người nghèo, hộ nghèo góp phần ổn định đời sống của người dân. Những người nghèo, người yếu thế đều được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, các chính sách như: tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý… thông qua nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Để công tác giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả cao, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến người nghèo, hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo vốn sản xuất, nhà ở. Đồng thời, khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm công cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn thông qua các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất…