Hiệu quả hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến

Theo quy định tại Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đối với các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Điều này cho phép bị hại, người làm chứng, luật sư và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa ở các địa điểm khác nhau với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ thông tin (CNTT). Hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến mang lại nhiều hiệu quả.

Tòa án nhân dân huyện Hải Lăng xét xử trực tuyến vụ “ Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” - Ảnh: MT

Tòa án nhân dân huyện Hải Lăng xét xử trực tuyến vụ “ Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” - Ảnh: MT

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; phù hợp với chủ trương của Đảng về tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về việc đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử và tăng cường áp dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, khẳng định quan điểm của Đảng là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; xác định nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm là cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, trong đó có xây dựng tòa án điện tử.

Bản chất của xây dựng tòa án điện tử là chuyển đổi số các hoạt động tố tụng của tòa án, đưa hoạt động tố tụng trên trang web hoặc các ứng dụng phần mềm, ví dụ: phần mềm nộp đơn khởi kiện trực tuyến, hệ thống quản lý án, hệ thống quản lý văn bản điều hành là thể hiện của thủ tục tố tụng được số hóa.

Việc cho phép xét xử trực tuyến cũng nằm trong nội dung của việc xây dựng tòa án điện tử. Trên thực tế, nhiều vụ án có đương sự ở xa trụ sở tòa án, đương sự ở nước ngoài có thể tham gia phiên tòa đã giúp tiết kiệm nguồn lực cho việc tổ chức một phiên tòa.

Bên cạnh đó, việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính còn tạo thuận lợi cho việc tổ chức phiên tòa, hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần hoặc xét xử vắng mặt người bị kiện; giảm bức xúc cho người khởi kiện.

Phương thức xét xử trực tuyến cũng giúp người tham gia tố tụng giảm cảm giác “ngại” khi xuất hiện tại tòa án, tạo sự bình đẳng cho các bên tham gia tố tụng. Trong một số vụ án như: vụ án hình sự về tội xâm hại tình dục, người tham gia tố tụng là người bị xâm hại tình dục, nạn nhân của tội phạm bạo lực gia đình, người làm chứng, người tố giác tội phạm... vì lý do giữ gìn danh dự, an toàn cá nhân, nên họ không cần thiết phải đến điểm cầu trung tâm để xét xử trực tiếp; bằng khoa học công nghệ có thể bảo vệ hình ảnh, tiếng nói của họ mà vẫn bảo đảm quyền được tham gia phiên tòa, quyền được lắng nghe, được cung cấp thông tin liên quan, trình bày ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến giúp tăng khả năng tiếp cận công lý, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm thời hạn giải quyết vụ án nhanh hơn. Những yếu tố dẫn đến hoãn phiên tòa vì lý do người tham gia tố tụng ở xa, đi lại khó khăn, không đến đúng thời gian triệu tập được khắc phục.

Bị can đang bị tạm giam, bị cáo đang chấp hành hình phạt tại trại giam không nhất thiết phải đến tòa án mà vẫn tham gia phiên tòa thông qua việc xét xử trực tuyến; các cơ quan, tổ chức xã hội, các cá nhân như: đơn vị giam giữ bị can, bị cáo không phải bố trí phương tiện, người để áp giải bị can, bị cáo đến tòa án vừa giảm chi phí cho việc sử dụng phương tiện, dành thời gian cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện các nhiệm vụ khác.

Tương tự trong các vụ án hành chính, người có liên quan có thể tham gia phiên tòa tại phòng họp trực tuyến của mình, mà không nhất thiết phải di chuyển đến tòa án để tham gia xét xử trực tiếp, góp phần tiết kiệm chi phí liên quan đến hoạt động xét xử cho xã hội.

Ngay từ đầu năm 2024, lãnh đạo Tòa án nhân dân Hải Lăng đã quan tâm công tác tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến theo tinh thần chỉ đạo của tòa án nhân dân tối cao. Chỉ tiêu Tòa án nhân dân tối cao giao cho Tòa án cấp huyện là 2 phiên tòa trực tuyến/ năm, đặc biệt là phải xem đây là một trong những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao tỉ lệ và chất lượng giải quyết các loại vụ án.

Do chưa được đầu tư trang thiết bị chuyên dùng để tổ chức phiên tòa trực tuyến nên đơn vị phải tận dụng trang thiết bị hiện có, mượn thiết bị của đơn vị bạn và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để tổ chức thành công các phiên tòa trực tuyến. Từ ngày 1/10/2023 đến nay, đơn vị đã tổ chức thành công 10 phiên tòa trực tuyến.

Xác định người tiến hành tố tụng là nhân tố có ý nghĩa quyết định để nâng cao chất lượng xét xử, TAND huyện Hải Lăng đặc biệt chú ý thực hiện các biện pháp để tiếp tục tăng cường trách nhiệm, rèn luyện kỹ năng xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân.

Trong năm 2024, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Lăng đã phối hợp tổ chức cho thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký học tập, rút kinh nghiệm tại 10 phiên tòa trực tuyến. Trong đó, mỗi thẩm phán phải xét xử ít nhất 2 phiên tòa rút kinh nghiệm. Để việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến và rút kinh nghiệm có chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, lãnh đạo Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân huyện thống nhất tổ chức kiểm tra và trực tiếp tham dự tại các phiên tòa.

Ngay sau khi phiên tòa kết thúc đã kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh nhiều vấn đề hạn chế, thiếu sót trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Thế nên, qua mỗi phiên tòa, không chỉ cán bộ trực tiếp tiến hành tố tụng mà tất cả cán bộ tham dự đều đã rút được nhiều kinh nghiệm về kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử và xử lý các tình huống tại phiên tòa, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các loại án.

Xét xử vụ án bằng hình thức trực tuyến là sự kết hợp giữa giải quyết vụ án theo hình thức truyền thống với sử dụng sản phẩm CNTT mang tính thời đại của hệ thống tòa án Việt Nam, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan diễn ra trên môi trường công nghệ số, nhằm giúp cho người tham gia tố tụng được tham gia phiên tòa thuận lợi mọi lúc, mọi nơi, bảo đảm việc giải quyết vụ án kịp thời, hiệu quả nhất và tiết kiệm, giảm thiểu những chi phí không cần thiết cho Nhà nước, người liên quan đến vụ án và xã hội.

Đồng thời, xét xử trực tuyến góp phần tích cực vào chiến lược cải cách tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh hơn, phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Nguyễn Đức Hoan (Chánh án TAND huyện Hải Lăng)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/hieu-qua-hoat-dong-to-chuc-phien-toa-truc-tuyen-187482.htm