Hiệu quả huy động vốn vay của Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa
Chị Nguyễn Thị Hạnh, xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa là khách hàng vay vốn của Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa (TCVM TH). Gia đình chị làm miến từ năm 2015, nhưng vốn ít, chị chỉ sản xuất được bình quân 1,5 tạ/ngày.
Nhờ vay vốn Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa, chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa) đã duy trì được nghề làm miến.
Sau khi được hội phụ nữ xã giới thiệu, tư vấn vay vốn của TCVM TH, bình quân gia đình chị sản xuất được 2 - 2,5 tạ miến/ngày. Năm 2018, chị vay vốn lần đầu được 20 triệu đồng để mua gạo và máy làm miến. Sau khi trả hết nợ, năm 2019 chị vay vốn tiếp lần 2 được 30 triệu đồng để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất. Sau lần 2 trả hết nợ, năm 2020 chị tiếp tục vay vốn lần 3 được 50 triệu đồng. Đến nay, chị đã trả được 1/3 số nợ. Với vốn vay hợp lý, mỗi năm chị trả hết nợ và vẫn tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ.
Xác định được vai trò quan trọng của hoạt động huy động vốn, trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ TCVM TH đã chỉ đạo chuyên môn tập trung các nguồn lực để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, củng cố và nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Theo đó, trong nhiệm kỳ qua, TCVM TH đã tiếp nhận sự tài trợ của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, xây dựng chiến lược và thực hiện chiến lược huy động tiền từ công chúng. Chỉ đạo bộ phận đối ngoại tập trung khai thác các nguồn vốn xã hội, nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhằm đa dạng nguồn vốn hoạt động, giảm thiểu rủi ro thanh khoản, rủi ro tài chính... Từ các chỉ đạo sát sao đó, kết quả trong nhiệm kỳ qua, TCVM TH luôn đáp ứng được nguồn vốn cho vay, giải quyết được tình trạng thiếu vốn (bình quân tổng dư nợ cho vay/tổng tài sản đạt từ 80-90%), luôn chủ động và tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (>10%), tỷ lệ khả năng chi trả (>20%) do Ngân hàng Nhà nước quy định, đồng thời giảm chi phí vốn và duy trì khả năng sinh lời hàng năm đạt từ 20-25%.
Kết quả năm 2019, tổng số khách hàng đang vay vốn là 20.329. Trong đó, khách hàng vay vốn là phụ nữ 18.486 khách hàng, chiếm 91%; khách hàng vay vốn có thu nhập thấp là 14.761 khách hàng, chiếm 72,6%. Dư nợ cho vay đạt 359,6 tỷ đồng. Tổng số dư tiết kiệm trong toàn tổ chức là 256,91 tỷ đồng. Trong đó, số dư tiết kiệm bắt buộc là 89,892 tỷ đồng; số dư tiết kiệm tự nguyện là 167,018 tỷ đồng. Tổng số dư tiết kiệm trong toàn tổ chức tháng 5-2020 là 258,976 tỷ đồng. Trong đó số dư tiết kiệm bắt buộc là 90,798 tỷ đồng; số dư tiết kiệm tự nguyện là 168,178 tỷ đồng.
Trong năm 2019, TCVM TH đã tập trung nguồn lực, triển khai mở rộng địa bàn, tạo cơ hội tiếp cận vốn cho các hộ có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh. Mở rộng thêm huyện Nga Sơn và các xã mới thuộc 2 huyện miền núi Cẩm Thủy và Ngọc Lặc, nâng tổng số địa bàn hoạt động của TCVM TH lên 238 xã ở 19 huyện/thị, tăng 12 xã, tương đương 5,3% so với năm 2018. Trong đó, số huyện miền núi đang triển khai hoạt động là 4 huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh và Ngọc Lặc với 47 xã, với số khách hàng tham gia vay vốn là 2.887 khách hàng; khách hàng thuộc người dân tộc thiểu số là 1.818 khách hàng. Năm 2019, TCVM TH đã giải ngân cho 18.316 khách hàng với tổng doanh số phát vay đạt 520,3 tỷ đồng, tăng 57,4 tỷ đồng, tương đương 14,2% so với năm 2018. Số tiền phát vốn bình quân/khách hàng là 28,4 triệu đồng. Trong đó, giải ngân cho 5.209 khách hàng mới với tổng số tiền giải ngân là 134 tỷ đồng; giải ngân cho khách hàng thuộc các huyện vùng núi thấp là 2.475 khách hàng với số tiền giải ngân là 64,6 tỷ đồng.
Tính đến 31-5-2020, toàn tổ chức đã có 18.573 thành viên đang tham gia vay vốn. Trong đó, thành viên vay vốn là phụ nữ có 16.826 thành viên, chiếm 90,6% tổng số thành viên vay vốn. Thành viên vay vốn là hộ nghèo, hộ cận nghèo có 790 thành viên, chiếm 4,25% tổng số thành viên vay vốn. Thành viên là người dân tộc thiểu số có 1.773 thành viên, chiếm 9,55% tổng số thành viên vay vốn. Dư nợ cho vay toàn tổ chức tháng 5-2020 đạt 298,466 tỷ đồng, tăng 9,016 tỷ đồng so với tháng 4-2020.
Nhằm nâng cao các giải pháp huy động vốn, trong thời gian tới, TCVM TH tiếp tục khai thác các nguồn vốn vay từ thị trường quốc tế với lãi suất ưu đãi. Duy trì tỷ trọng vốn vay từ các nhà đầu tư nước ngoài tối thiểu bằng 45% tổng nợ phải trả. Xúc tiến áp dụng phân hệ quản lý các tài khoản tiền gửi của khách hàng tập trung tại hội sở chính ngay sau khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh xảy ra, nhằm thu hút khách hàng TCVM gửi tiền. Phấn đấu tổng dư nợ huy động tiền gửi từ nhóm khách hàng này đạt 30% tổng dư nợ tiền gửi. Củng cố và nâng cấp cơ sở vật chất tại các chi nhánh, phòng giao dịch, đảm bảo kiên cố mỹ quan, an toàn và bảo mật nhằm thu hút khách hàng gửi tiền và an toàn kho quỹ.