Hiệu quả 'kép' từ Quyết định số 22

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023, là một chính sách tín dụng có nhiều ý nghĩa, tạo việc làm, sinh kế cho những người đã chót lầm lỡ, vi phạm pháp luật...

Ông D.V.M (ở xóm Phẩm, xã Dương Thành, Phú Bình) được vay vốn theo Quyết định số 22 để đầu tư chăn nuôi ngựa.

Ông D.V.M (ở xóm Phẩm, xã Dương Thành, Phú Bình) được vay vốn theo Quyết định số 22 để đầu tư chăn nuôi ngựa.

Ông D.V.M (sinh năm 1964, ở xóm Phẩm 1, xã Dương Thành) là trường hợp được vay vốn theo Quyết định số 22, cho biết: Tháng 3-2024, tôi được vay 100 triệu đồng - mức tối đa của chương trình. Sẵn có kinh nghiệm chăn nuôi ngựa, tôi đã mua 3 con ngựa bạch để nuôi sinh sản và thương phẩm. Sau 3 tháng chăm sóc, hiện đàn ngựa phát triển tốt. Tôi thấy rất phấn khởi khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn vay cho những người như chúng tôi.

Để nguồn vốn được giải ngân đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, công tác rà soát các trường hợp vay được các địa phương của huyện Phú Bình chú trọng. Ông Dương Văn Lơ, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Phẩm 1, xã Dương Thành, cho biết: Chúng tôi tìm hiểu kỹ về nhu cầu và hoàn cảnh, đặc biệt là sự thống nhất của gia đình trong việc sử dụng nguồn vốn sau khi vay. Trong hồ sơ vay vốn, các hộ phải kèm theo phương án sử dụng vốn vay theo mẫu.

Thiếu tá Hoàng Văn Trịnh, Trưởng Công an xã Tân Thành, cho biết: Chúng tôi cập nhật, báo cáo Công an huyện trường hợp vay vốn theo Quyết định số 22 vào ngày mùng 5 hằng tháng. Các trường hợp được vay phải chấp hành các quy định của pháp luật, không mắc tệ nạn xã hội. Trong quá trình làm hồ sơ, người vay phải kê khai theo mẫu số riêng của ngành Công an.

Tính đến cuối tháng 5-2024, NHCSXH huyện Phú Bình đã giải ngân nguồn vốn theo Quyết định số 22 được hơn 8,5 tỷ đồng, với 92 trường hợp vay (trong tổng số 153 trường hợp vay toàn tỉnh, chiếm 59,7% doanh số). Trong số này có 80% được vay ở mức tối đa (100 triệu đồng), số còn lại vay từ 50-70 triệu đồng. Người vay chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, số ít đầu tư kinh doanh, mua máy móc, nông cụ sản xuất.

Anh Phạm Văn Hải, xóm Cả, xã Tân Khánh, chia sẻ: Vợ tôi được vay 100 triệu đồng theo Quyết định số 22 hồi đầu năm và gia đình đã đầu tư nuôi 1.500 con gà. Đến nay, đàn gà đã được hơn 2 tháng, phát triển tốt. Tôi thấy nguồn vốn giải ngân rất nhanh, thời gian vay dài (lên đến 5 năm), lãi suất thấp, rất phù hợp với các hộ làm nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Phú Bình, cho biết: Để có được kết quả như trên, thời gian qua, NHCSXH huyện đã tích cực, chủ động phối hợp với Công an huyện, 4 tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, UBND các xã, thị trấn tăng cường triển khai cho vay đối với các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng. Trong đó, Công an huyện đã đôn đốc, chỉ đạo công an xã, thị trấn rà soát, lập danh sách các trường hợp được vay vốn, đảm bảo chính xác, kịp thời. Sau khi được giải ngân, việc kiểm tra nguồn vốn được các tổ tiết kiệm và vay vốn, cũng như các hội, đoàn thể cơ sở thực hiện quy định. Hiện, tất cả các trường hợp vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, đang phát huy hiệu quả.

Theo thống kê, huyện Phú Bình hiện còn trên 750 trường hợp nằm trong diện được vay vốn theo Quyết định số 22. Cũng theo bà Nguyễn Thị Hường: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp để nhiều người biết đến và sớm được tiếp cận với nguồn vốn này.

Có thể nói, tuy thời gian triển khai nguồn vốn vay theo Quyết định 22 chưa dài nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Nguồn vốn này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn giúp người chấp hành xong án phạt tù yên tâm hơn để hòa nhập với cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202406/hieu-qua-kep-tu-quyet-dinh-so-22-7200f00/