Hiệu quả kinh tế từ mô hình kết hợp sen lúa mùa nước nổi
Với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện tại, cây sen không chỉ phát triển ở huyện Tháp Mười mà còn bén rễ trên đất trồng lúa ở nhiều địa phương khác trong tỉnh như: Cao Lãnh, Tân Hồng, Hồng Ngự. Diện tích trồng sen lấy hạt vụ hè thu của tỉnh là 360ha. Đến nay, nông dân thu hoạch được khoảng 250ha. Ở những khu vực đê bao khép kín, nông dân đang xuống giống sen vụ thu đông với diện tích 106ha.
So với trồng lúa, mô hình trồng sen đang phát huy nhiều lợi thế như: rút ngắn thời gian canh tác, chi phí đầu tư ít, đặc biệt thu lợi nhuận cao. Hiện tại, giá gương sen khoảng 20.000 đồng/kg. Mỗi hecta, người dân thu hoạch vài chục ký gương, thu về từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng/ngày. Gương sen có thể thu hoạch kéo dài hơn 2 tháng. Với giá này, nông dân có lợi nhuận từ 40 triệu - 50 triệu đồng/ha.
Thực tế cho thấy mô hình trồng sen trên ruộng giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận, đồng thời góp phần cải tạo đất vụ sau. Cây sen đã được tỉnh Đồng Tháp khuyến khích sản xuất theo Đề án phát triển du lịch ở các địa phương, trong đó, các sản phẩm hoa sen, gương sen, củ sen, ngó sen và lá sen được làm nên sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: sữa sen, trà sen, củ sen, hạt sen sấy, tơ se... và cả tranh lá sen đang rất được thị trường ưa chuộng.