Hiệu quả kinh tế từ nuôi chồn hương
Sau nhiều nỗ lực, anh Nguyễn Văn Thắng, xã Yên Phương, huyện Ý Yên đã tìm ra phương pháp và trở thành người đầu tiên thuần hóa thành công đàn chồn hương tại Nam Định.
Trên thị trường hiện nay, nhu cầu mua chồn hương là rất lớn, giá thành cao, vì vậy mô hình này đang được nhiều người dân học hỏi để phát triển kinh tế.
Năm 2011, nhờ được một người bạn tư vấn, giới thiệu về một loại động vật hoang dã nhưng có giá trị kinh tế cao, được nhiều hộ dân tại các tỉnh miền Trung và miền Nam nuôi, anh Nguyễn Văn Thắng đã đi vào tận tỉnh Nghệ An để thăm quan, học hỏi các mô hình nuôi chồn hương tại đây. Sau đó, anh Thắng mạnh dạn bỏ vốn trên 60 triệu đồng để mua 8 đôi chồn hương về nuôi thử nghiệm.
Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm nuôi, anh Nguyễn Văn Thắng đã nhanh chóng thất bại. Khoảng một tuần sau khi đưa đàn chồn hương về nuôi đã bị chết gần một nửa, sau đó các con còn lại trong đàn không hiểu nguyên nhân vì sao cứ gầy đi, lười ăn uống sau đó bị bệnh và chết.
Anh Nguyễn Văn Thắng nhớ lại, chồn hương là một loài động vật hoang dã nên trước khi đem về nuôi anh đã nghiên cứu kỹ cách làm chuồng trại, hướng ánh sáng, hướng gió để đàn chồn có thể làm quen với môi trường và phát triển tự nhiên nhất. Sau khi đưa đàn chồn về, anh tiến hành chăm sóc và cho ăn các loại thức ăn đúng theo những kinh nghiệm mà anh đã học hỏi được trước đó, tuy nhiên không hiểu sao con vật vẫn chết.
Mất đi một số tiền khá lớn vào thời điểm đó, nhưng anh Thắng vẫn không nản chí, anh thuyết phục thành công gia đình quyết định tiếp tục đầu tư mua chồn hương về nuôi. Tuy nhiên, cũng giống như lần nuôi đầu tiên, các lứa chồn hương sau đó vẫn tiếp tục thất bại, cả đàn hàng chục con chỉ 1-2 con sống sót.
Anh Nguyễn Văn Thắng tâm sự, mỗi lứa chồn hương chết là gia đình anh lại mất hàng trăm triệu đồng, số tiền đó đủ mua được nhiều mảnh đất ở quê lúc bấy giờ. Thất bại liên tiếp cũng khiến vợ con phản đối việc nuôi chồn hương. Nhưng với ý chí quyết tâm muốn thuần hóa bằng được loài vật hoang dã này, anh lại tiếp tục đi vay mượn tiền để đầu tư vào con chồn hương.
Sau nhiều năm nghiên cứu cách sinh hoạt và tập tính của loài chồn hương, nguyên nhân chồn bị ốm, cách chữa các bệnh mà loài vật này hay gặp phải… Bắt đầu từ năm 2019, đàn chồn hương nhà anh Thắng phát triển tốt, không bị bệnh như trước, tỷ lệ chồn đẻ và nuôi con thành công ngày càng cao. Sau đó, anh Thắng đã không ngừng nhân rộng đàn chồn hương, đầu tư thêm các lồng nuôi.
Hiện tại, gia trại nuôi chồn hương của gia đình anh Thắng có quy mô lớn nhất tỉnh Nam Định với tổng đàn hơn 300 con; trong đó, có khoảng 200 con mẹ, hơn 50 con thương phẩm và chồn con. Chồn mẹ một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 3-5 con, chồn con nuôi khoảng 10-12 tháng là có thể xuất bán thương phẩm hoặc giữ lại nuôi làm chồn sinh sản. Hiện, chồn thương phẩm có giá từ 1,8-2 triệu/kg; chồn giống có giá từ 5-6 triệu đồng/con, với tổng đàn hiện tại, bình quân mỗi năm, gia đình thu về hơn 1 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Thắng cho biết, do tập tính hoang dã, ban ngày chồn thường ngủ, chỉ thức dậy vào tầm chiều và ban đêm, thức ăn của chồn hương chủ yếu là chuối chín, cháo cá hoặc cháo gà, mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi chiều. Nước uống phải sạch và qua xử lý kỹ. Chồn sinh sản cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là canxi.
Chuồng nuôi chồn phải đảm bảo thoáng mát, cao ráo, kích thước lồng chiều cao khoảng 70cm, rộng từ 1-5m2 tùy vào số lượng nuôi nhốt, lồng thiết kế cách mặt nền từ 1-1,5m để thông thoáng và tiện vệ sinh chuồng trại. Mỗi ô chuồng cần được bố trí rộng rãi giúp con vật có không gian vận động, đồng thời phải dọn vệ sinh hằng ngày, đảm bảo chuồng luôn sạch, khô, thoáng, tránh ẩm thấp.
Theo anh Nguyễn Văn Thắng, việc phòng và trị bệnh là khâu quan trọng trong nuôi chồn hương, vì vậy người nuôi cần phải thường xuyên phòng các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa cho chồn vì khi con vật bị tiêu chảy thì rất dễ lây lan sang con khác. Ngoài ra, chồn hương cũng dễ mắc bệnh cầu trùng hoặc bị bệnh thương hàn giống như nhiều loại gia súc, gia cầm khác, người nuôi có thể mua các loại thuốc thú y để điều trị.
Hiện tại, nhu cầu thị trường tiêu thụ chồn hương rất lớn, các thương lái đến từ tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng thường liên hệ liên hệ đặt mua trước nhưng gia trại nhà anh Thắng vẫn không đủ bán. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh thắng đang xin cấp phép mở rộng quy mộ gia trại. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi chồn hương, thời gian qua có nhiều hộ dân trên địa bàn đến thăm quan mô hình nuôi chồn và mua giống chồn về nuôi thử.
Anh Nguyễn Văn Thắng cho biết, với khoảng 200 con chồn mẹ, năm nay anh dự kiến sẽ bán ra thị trường khoảng 500 con giống. Những người đến mua giống anh đều hướng dẫn tận tình cách nuôi, cho ăn và phòng bệnh để người nuôi yên tâm. Đặc biệt, đối với người dân trên địa bàn xã và các xã lân cận, anh còn đến tận nhà để chỉ cách xây chuồng trại, cách nhân giống để nuôi chồn đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Chồn hương thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Vì vậy, khi nuôi chồn hương người dân cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm, đồng thời cần thực hiện đúng theo quy định pháp luật về việc nuôi loài động vật này.
Ông Đinh Văn Khính, Chủ tịch UBND xã Yên Phương cho biết, nhận thấy mô hình nuôi chồn hương là hướng phát triển kinh tế đầy tiềm năng, thời gian qua một số hộ dân trên địa bàn đã nghiên cứu cách nuôi chồn hương. Địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc nuôi loài động vật này, đồng thời phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế.