Hiệu quả kinh tế từ rau muống lấy hạt
So với mọi năm, vụ rau muống lấy hạt năm nay ở xã Hiệp Xương (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) tăng vượt trội về diện tích. Người dân mạnh dạn chuyển đổi hoặc tiếp tục nhân rộng, bởi thấy được mô hình cho hiệu quả kinh tế khá cao. Đây còn là một trong những cây màu phát triển khá phù hợp trên đất lúa, địa phương khuyến khích các hộ chuyển đổi để có thu nhập ổn định hơn trong vụ đông xuân.
Rau muống trồng chuyên để lấy hạt được xuống giống từ tháng 10 (âm lịch) và thu hoạch sau 4 tháng phát triển. Mỗi năm, rau muống lấy hạt chỉ trồng được vụ đông xuân, bởi nắng nhiều, quản lý nước chặt chẽ mới đạt năng suất cao.
Đặc biệt, vào thời điểm thu hoạch, rau muống được phơi khô trong nửa tháng mới có thể cho vào máy suốt, nên thời tiết nắng ráo càng thuận lợi, giảm tối đa thất thoát. Những hộ sản xuất lâu nhất với mô hình này đã có thâm niên hơn 20 năm, duy trì hình thức canh tác 2 vụ nếp - 1 vụ rau muống lấy hạt. Nhờ có kinh nghiệm, nông dân không chỉ nhẹ công chăm sóc, am hiểu các giai đoạn sinh trưởng mà phần lớn các khâu nặng nhọc hiện nay đều có máy móc thay thế.
Thời điểm này, khá nhiều ruộng rau muống đang được phơi khô chờ ngày suốt hạt. Khoảng 50% diện tích đã được thu hoạch giúp nông dân có đồng lời. Năm 2019, toàn xã Hiệp Xương có 55 hộ trồng rau muống lấy hạt, với tổng diện tích 77ha. Đến năm 2021, diện tích đã mở rộng lên 142ha và năm nay 237ha.
Bên cạnh đó, năng suất hạt cũng vượt trội, đạt từ 300 - 400kg/công. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Xương Phan Văn Tông, các hộ sản xuất tập trung nhiều nhất tại ấp Hiệp Thạnh, Hiệp Hòa. Xã đã thành lập Tổ hợp tác trồng rau muống lấy hạt với 19 thành viên, nay đã tăng lên khá nhiều và đang được địa phương củng cố.
Nông dân thu hoạch hạt rau muống
Ông Lê Văn Kịch (Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau muống lấy hạt) cho biết, rau muống dễ trồng và kỹ thuật canh tác khá đơn giản. Theo truyền thống, nông dân thường xuống giống bằng cách sạ hạt rồi đem cấy. Một mặt địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân chuyển đổi cây trồng thay thế trên đất lúa. Mặt khác, nông dân thấy được hiệu quả từ mô hình (cao gấp 2-3 lần so với lúa) nên số hộ chuyển đổi ngày càng tăng. Đó là chưa kể vào mùa thu hoạch, mô hình này còn tạo thu nhập cho nhiều lao động nông nhàn, trung bình từ 150.000-200.000 đồng/người/ngày.
Qua đánh giá tình hình, Hội Nông dân xã dự kiến năm sau số hộ và diện tích trồng tiếp tục tăng. Ngoài rau muống, địa phương sẽ vận động nông dân chuyển đổi trồng đậu nành rau, mè để giảm chi phí và tăng hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Xoa (ấp Hiệp Thạnh, trồng rau muống lấy hạt qua 4 vụ) nhận định, so với các cây màu ngắn ngày, rau muống lấy hạt có ưu thế hơn hết. Hộ của ông Xoa trồng 17 công rau muống, đạt năng suất 400kg/công. “Mỗi công rau muống tốn chi phí khoảng 5 triệu đồng. Những người làm giỏi sẽ đạt năng suất hạt từ 360 - 400kg. Với giá bao tiêu của công ty, bà con thu lợi nhuận từ 7,5 - 9 triệu đồng. Những hộ trồng diện tích lớn thu được lợi nhuận hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường.
Ngoài ra, từ đầu vụ, nông dân còn được công ty cung cấp giống và cho mượn 6 triệu đồng/tấn để trang trải chi phí trong quá trình canh tác. Nhiều lợi ích như vậy nên qua các năm, mô hình này đã được nông dân lựa chọn trồng thay 1 vụ lúa” - ông Xoa chia sẻ.
Khởi đầu, gia đình ông Xoa thử nghiệm với 6 công rau muống lấy hạt. Đánh giá hiệu quả mang lại, mỗi năm ông mở rộng dần diện tích. Năm nào xả đê thì đất được bồi phù sa, rau muống trúng đậm, nhà nông lại được giảm chi phí phân bón, cây ít nhiễm sâu bệnh. Ông Xoa cho biết thêm, năm nay giá hạt rau muống được bao tiêu thấp hơn so với thị trường.
Tuy nhiên, khi đã tham gia hợp đồng thì bà con không tiếc, bởi có sự cam kết đầu ra ổn định lâu dài vẫn an tâm hơn. Những hộ gắn bó với mô hình này trên 10 năm đều thấy rõ, khi chưa được công ty ký hợp đồng, tuy sản xuất thuận lợi, có năm bán giá cao nhưng tâm trạng bà con luôn lo lắng, không thể đoán trước từ bạn hàng.
Nhiều năm nay, đầu ra của hạt rau muống được 1 công ty tại huyện Châu Phú hợp đồng bao tiêu. Giá thu mua trong vụ đông xuân là 34.500 đồng/kg nên nông dân khá yên tâm. Không chỉ thành viên của tổ hợp tác, mà tất cả hộ trồng rau muống lấy hạt trên địa bàn xã Hiệp Xương đều được bao tiêu đầu ra.
Ông Phan Văn Tông thông tin, thời gian qua, việc thực hiện hợp đồng chỉ có sự cam kết giữa công ty và nông dân. Với sự phát triển của mô hình như hiện nay, xã Hiệp Xương đã định hướng củng cố tổ hợp tác, chọn các thành viên đại diện tham gia ký kết các hợp đồng, có sự tham dự của Hội Nông dân, UBND xã để bảo vệ quyền lợi cho nông dân, tháo gỡ khó khăn khi phát sinh vấn đề giữa đôi bên.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hieu-qua-kinh-te-tu-rau-muong-lay-hat-a329970.html