Hiệu quả liên kết từ mô hình trồng bắp sinh khối
Mô hình trồng bắp sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc tại xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGỌC HÂN
Trước kia, đậu phộng, bắp lấy hạt là cây trồng chủ lực tại xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), nhưng từ cuối năm 2022, phần lớn diện tích trồng thiếu nước, năng suất không cao. Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng và chuyển giao mô hình trồng bắp sinh khối cho người dân địa phương này.
Với sự liên kết, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm từ Công ty TNHH Trang trại bò sữa công nghệ cao Phú Yên, mô hình trồng bắp sinh khối đang mở ra hướng đi hiệu quả cho nông dân.
Trồng bắp cho thu nhập cao
Vụ hè thu 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình chuyển đổi sản xuất trên chân đất trồng các loại cây không chủ động nước tưới, năng suất thấp bằng mô hình trồng bắp sinh khối thuộc dự án Xây dựng mô hình sản xuất bắp sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc. Mô hình được triển khai tại xã Xuân Quang 1 với 52 hộ dân tham gia trên diện tích 10ha, sử dụng giống bắp LCH9 có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp gieo trồng trên đất thiếu nước. Mô hình triển khai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 70% giá trị giống, vật tư phân bón thuốc bảo vệ thực vật; nông dân đối ứng 30%.
Tại hội nghị tổng kết mới đây, ông Phạm Tiến Hiệp ở thôn Suối Cối 1, đại diện hộ dân tham gia mô hình chia sẻ, ông và các hộ dân khác trong xã đều rất vui mừng khi được hỗ trợ trồng bắp sinh khối. “Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên cây bắp sinh trưởng, phát triển tốt. So với trồng bắp lấy hạt, trồng bắp sinh khối khỏe hơn nhờ thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh, tiết kiệm được nhiều công lao động; năng suất ước đạt 1,7-1,8 tấn/sào, tính ra lợi nhuận hơn 3 triệu đồng/sào và quan trọng nhất là được bao tiêu đầu ra”, ông Hiệp cho biết.
Trên ruộng đất trồng bắp xanh mướt của gia đình đang đến ngày thu hoạch, ông Nguyễn Văn Ngọc ở thôn Suối Cối 1, phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi có1.500m2 đất trồng bắp. Đây là vụ đầu tiên tôi trồng bắp sinh khối, có nhiều cái lợi như rút ngắn thời gian - mỗi vụ chỉ mất khoảng 80 ngày; tiết kiệm chi phí đầu tư phân bón và nhân công trong khâu thu hoạch. Thu hoạch sản phẩm tươi, nên không mất thêm chi phí tách hạt, phơi khô và bảo quản như trồng bắp lấy hạt. Làm theo cách này khỏe, lại liên kết với doanh nghiệp nên họ thu mua cả cây, mình đỡ tốn công dọn ruộng. Vì vậy, tôi sẽ thuê thêm đất để mở rộng diện tích trồng bắp sinh khối ở các vụ tiếp theo”.
Ông Huỳnh Thế Bình, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Quang 1, cho biết: “Đây là vụ đầu tiên Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với HTX triển khai trồng bắp sinh khối, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Sản lượng ước đạt 50-60 tấn/ha, tính ra giá trị thu về hơn 35 triệu đồng/ha, nếu trồng 3-4 vụ/năm thì có thể thu về hơn 100 triệu đồng/ha. Hơn nữa, tất cả diện tích trồng bắp sinh khối đều được Công ty TNHH Trang trại bò sữa công nghệ cao Phú Yên bao tiêu, tạo động lực và niềm tin cho bà con nông dân yên tâm sản xuất, tiếp tục mở rộng diện tích”.
Định hướng nhân rộng
Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, bắp sinh khối là cây trồng tiềm năng cho mục tiêu làm thức ăn xanh trong chăn nuôi nhờ tính ưu việt về giá trị dinh dưỡng và tổng thu năng lượng cao (dễ tiêu hóa). Với thời gian sinh trưởng ngắn, ít chịu ảnh hưởng thất thường của thời tiết so với bắp lấy hạt nên thuận lợi cho việc bố trí thời vụ. Do vậy, trồng bắp sinh khối đang được nhiều nông dân đầu tư để phát triển kinh tế.
“Với mục tiêu xây dựng khoảng 400ha vùng sản xuất nguyên liệu bắp sinh khối để cung cấp thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc, từ năm 2022 đến nay, trung tâm đã hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất bắp sinh khối làm thức ăn xanh cho gia súc với diện tích 40ha và dự định năm 2024 sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng thêm 40ha”, ông Tuấn cho biết.
Ông Phạm Ngọc Tiến, quản lý bộ phận thu mua nông sản Công ty TNHH Trang trại bò sữa công nghệ cao Phú Yên, cho biết: Chất lượng cây bắp sinh khối sau khi thu hoạch vào giai đoạn chín sáp có dưỡng chất đầy đủ và cao nhất nên khi trâu, bò thịt hoặc bò sữa ăn thức ăn này sẽ cho chất lượng thịt, sữa tốt nhất. Đây là hiệu quả mang lại lợi ích cho cả người nông dân, doanh nghiệp, HTX và người tiêu dùng. Vì thế, công ty sẽ tiếp tục liên kết với các hộ dân để nhân rộng diện tích trồng bắp sinh khối, nhất là vào vụ đông để cung cấp thức ăn tươi cho bò vào mùa đông.
“Mô hình trồng bắp sinh khối phùhợp với định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương. Cùng với sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Quang 1 thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai mô hình. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động và hỗ trợ người dân nhân rộng diện tích trồng ở các xã khác”, ông Phạm Lê Hoàng, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Đồng Xuân, cho hay.
Với những lợi ích từ cây bắp sinh khối đem lại, nhất là việc liên kết bao tiêu đầu ra sản phẩm của các HTX, doanh nghiệp, triển vọng phát triển cây bắp sinh khối trong tỉnh là rất lớn, mở ra hướng phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/306860/hieu-qua-lien-ket-tu-mo-hinh-trong-bap-sinh-khoi.html