Hiệu quả mang lại từ quy chế phối hợp trong hoạt động tố tụng

Chiều ngày 24/12, tại Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Sóc Trăng diễn ra Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp giữa TAND tỉnh với Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng. Tham dự có các đồng chí: Thái Rết - Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh; Nguyễn Thanh Khoa - Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành; Ban Chủ nhiệm, thành viên Đoàn Luật sư tỉnh.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Chánh án TAND tỉnh báo cáo kết quả triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa TAND tỉnh và Đoàn Luật sư tỉnh. Theo đó, qua 10 năm thực hiện quy chế phối hợp trong hoạt động tố tụng, 2 cơ quan, đơn vị đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác xét xử và hành nghề của các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện tốt quy chế phối hợp, lãnh đạo TAND tỉnh đã tổ chức phổ biến, triển khai quy chế đến cán bộ, công chức TAND 2 cấp trong tỉnh; kịp thời hướng dẫn các đơn vị TAND 2 cấp có khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra các đơn vị TAND 2 cấp thực hiện quy chế phối hợp trong các đợt kiểm tra chuyên môn. Về phía Đoàn Luật sư tỉnh, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các vị luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh triển khai trong hoạt động tố tụng và hành nghề luật sư theo đúng quy định của quy chế.

Đại biểu dự Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp giữa TAND tỉnh với Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: KIM NGỌC

Đại biểu dự Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp giữa TAND tỉnh với Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: KIM NGỌC

Nhìn chung, qua công tác triển khai thực hiện quy chế phối hợp, các đơn vị TAND trên địa bàn tỉnh, Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã thực hiện nghiêm túc các quy định của quy chế. Từ năm 2020 đến năm 2024, TAND 2 cấp đã đưa ra giải quyết 41.435 vụ án các loại (không bao gồm áp dụng biện pháp xử lý hành chính), trong đó luật sư tham gia 1.766 vụ việc, chiếm tỷ lệ 4,26%. Án hình sự giải quyết 3.934 vụ án, luật sư tham gia 560 vụ án (luật sư chỉ định, có 393 vụ án), chiếm tỷ lệ 14,23%. Án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính đã giải quyết 37.501 vụ việc, luật sư tham gia là 1.206 vụ việc, chiếm tỷ lệ 3,22%.

Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận, làm rõ thêm những kết quả nổi bật trong công tác phối hợp, nêu lên những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp, đề xuất phương hướng, giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Chánh án TAND tỉnh Thái Rết nhấn mạnh, việc ban hành và thực hiện quy chế phối hợp giữa TAND tỉnh và Đoàn Luật sư tỉnh trong hoạt động tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tháo gỡ những tồn tại trong công tác phối hợp giữa Đoàn Luật sư với TAND tỉnh trước đây; đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, tạo điều kiện giúp hai bên hỗ trợ nhau thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng. Trong thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với Đoàn Luật sư nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp để khắc phục những hạn chế, khó khăn và để phù hợp hơn với thực tiễn giữa 2 đơn vị. Đồng thời, để đẩy mạnh công tác phối hợp và thực hiện thống nhất trong hệ thống tố tụng, cần nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, cần nâng mức thù lao và chi phí cho luật sư đối với các vụ án chỉ định theo yêu cầu của tòa án…

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat/202412/hieu-qua-mang-lai-tu-quy-che-phoi-hop-trong-hoat-dong-to-tung-59e43f3/