UNCLOS 1982 tạo nền tảng cho quản trị biển và đại dương

Năm 2024 là tròn 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (hay còn gọi là UNCLOS 1982) chính thức có hiệu lực. Công ước là nền tảng để các nước cùng hợp tác quản trị đại dương một cách có trật tự và bền vững.

Với Việt Nam, UNCLOS 1982 tạo dựng một môi trường hòa bình để Việt Nam có thể phát triển kinh tế biển, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.

Trong ba thập niên qua, với tư cách là một quốc gia thành viên tích cực và có trách nhiệm của Công ước, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể trong quá trình thực thi UNCLOS như: ban hành luật pháp quốc gia, hoàn thành phân định biển với hầu hết các nước và quản lý tài nguyên biển phù hợp với các quy định của UNCLOS.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ cho biết: "Đây là một công ước rất có giá trị nên người ta ví nó như 'Hiến chương xanh' của nhân loại trên biển. Với Việt Nam đã quan tâm, theo dõi và vận dụng các quy định của công ước vào thực tiễn, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển. Đặc biệt, chúng ta luôn dựa vào các quy định của công ước để giải quyết các bất đồng, các tranh chấp xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và các nước láng giềng" .

Về tình hình Biển Đông, Việt Nam bày tỏ quan ngại về việc nhiều hoạt động, vụ việc căng thẳng trên thực địa thời gian gần đây, làm ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh khu vực, đi ngược lại các quy định của UNCLOS. Việt Nam yêu cầu các hoạt động trên biển cần được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; tôn trọng các quyền chính đáng, hợp pháp của các quốc gia.

Dựa trên Luật biển 1982, Việt Nam cũng đang đề xuất mở rộng Ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông. "Căn cứ vào tình hình biển Đông và tình hình vùng biển của chúng ta, đã sớm nhận thấy rằng, có thể sớm có quyền mở rộng thềm lục địa của chúng ta ra ngoài 200 hải lý. Việc này giúp mở rộng về không gian, khai thác tiềm năng về tài nguyên và sử dụng biển như đặt cáp ngầm hay xây dựng các công trình trên biển, bảo vệ môi trường biển…", ông Huỳnh Minh Chính, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho biết.

Là quốc gia ven biển, Việt Nam sở hữu hơn 3.200 km đường bờ biển, trên 3.000 đảo lớn nhỏ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. UNCLOS 1982 có những quy định rất chặt chẽ về xác định các vùng biển, xác lập quyền, chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia đối với các vùng biển. Đây là cơ sở pháp lý để các nước phân định các vùng biển, tránh các tranh chấp phát sinh.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/unclos-1982-tao-nen-tang-cho-quan-tri-bien-va-dai-duong-291066.htm