Hiệu quả mô hình ATM hỗ trợ dịch vụ hành chính công di động ở xã Tân Quang

BHG - Với mục tiêu thực hiện tinh thần đổi mới sáng tạo thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC) hỗ trợ công dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, trong việc thực hiện giao dịch thủ tục hành chính (TTHC) với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã được nhanh chóng, thuận lợi, nâng cao mức độ hài lòng của người dân khi đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính. Xã Tân Quang đã thành lập 2 tổ ATM di động (tổ hỗ trợ dịch vụ hành chính công di động) để thực hiện hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp, người dân tại các thôn trên địa bàn xã gửi hồ sơ trực tuyến.

Có mặt tại bộ phận hành chính một cửa xã Tân Quang vào những ngày đầu tháng 6, chúng tôi cảm nhận được không khí bận rộn của người dân cũng như các thành viên của tổ ATM xã đang miệt mài hướng dẫn tận tình, cặn kẽ cho người dân thực hiện tạo tài khoản, gửi hồ sơ, nhận kết quả hồ sơ trực tuyến trên môi trường mạng.

Các thành viên trong tổ sẽ trực tiếp xuống tận thôn và tại nhà để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC trên dịch vụ công trực tuyến

Các thành viên trong tổ sẽ trực tiếp xuống tận thôn và tại nhà để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC trên dịch vụ công trực tuyến

Ban đầu chị Vũ Thị Nga ở thôn Vinh Ngọc loay hoay không biết cách lập tài khoản trên dịch vụ công quốc gia như thế nào, qua sự giúp đỡ, hỗ trợ của thành viên trong tổ ATM xã thì chị Nga dễ dàng hiểu và thao tác tạo tài khoản, xử lý công việc trên dịch vụ công một cách đơn giản hơn. Chị Vũ Thị Nga chia sẻ: “Quá trình giải quyết vấn đề về TTHC lúc đầu rất phức tạp và quy trình khá rườm rà. Nhưng từ khi thực hiện trên dịch vụ công quốc gia thì vấn đề về TTHC bây giờ đã nhanh gọn hơn, thay vào đó chúng tôi ngồi ở nhà mà vẫn có thể gửi giấy tờ mình lên dịch vụ công mà cán bộ xã vẫn có thể xử lý trên này được, chúng tôi không phải mất thời gian đi lại nữa”.

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tổ ATM xã Tân Quang được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7.2023. Trước đó, UBND xã Tân Quang đã thực hiện rà soát, lựa chọn các thành viên để thành lập 2 tổ hỗ trợ, mỗi tổ gồm có 6 thành viên, biết sử dụng thành thạo điện thoại thông minh và máy tính laptop, máy scan, am hiểu về cách thức thực hiện TTHC trên môi trường mạng internet, đồng thời tham gia các lớp tập huấn do Sở Nội vụ tổ chức để hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện hồ sơ TTHC.

Đối với 2 tổ ATM thì sẽ có 2 đồng chí tổ trưởng là cán bộ không chuyên trách xã làm đầu mối, thành viên của các tổ là công dân trực tiếp sinh sống trên địa bàn các thôn, mỗi thôn có từ 1 đến 2 thành viên tùy theo số lượng dân cư của thôn. Để đảm bảo hoạt động của tổ được hiệu quả UBND xã đã chia tổ phụ trách theo thôn cụ thể: Tổ số 1 phụ trách thôn Nghĩa Tân, Vinh Quang, Vinh Ngọc, Tân Tiến; tổ số 2 phụ trách thôn Xuân Hòa, Tân Lâm, Mỹ Tân, Mục Lạn. Các thành viên trong tổ sẽ trực tiếp xuống các thôn để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại thôn và tại nhà. Cùng với đó, 2 tổ ATM này cũng phối hợp với Tổ Đề án 06 của xã hướng dẫn cho công dân thực hiện cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, hướng dẫn triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân trên địa bàn.

 Thành viên tổ ATM xã Tân Quang hỗ trợ người dân tạo tài khoản dịch vụ công quốc gia tại bộ phận hành chính một cửa

Thành viên tổ ATM xã Tân Quang hỗ trợ người dân tạo tài khoản dịch vụ công quốc gia tại bộ phận hành chính một cửa

Chị Sính Thị Yến, thành viên trong tổ ATM xã Tân Quang cho biết: Với vai trò là tổ trưởng của tổ công nghệ số cộng đồng của thôn Nghĩa Tân, tôi cùng với các thành viên khác trong tổ đã chủ động hướng dẫn người dân gửi hồ sơ trực tuyến vào các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần. Chúng tôi có nhiều cách để hướng dẫn người dân như là đến trực tiếp nhà người dân để hướng dẫn hoặc trực ở bộ phận một cửa của xã khi trường hợp đông người dân đến giải quyết mà cán bộ trực ở đó không thể giải quyết được hết thì chúng tôi sẽ góp sức vào hỗ trợ người dân giải quyết các thủ tục hành chính trên dịch vụ công quốc gia trực tuyến.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang Nguyễn Thị Thủy cho biết thêm: Qua quá trình triển khai thực hiện, đến nay 2 tổ ATM hoạt động khá hiệu quả, nắm vững các bước tạo tài khoản và gửi hồ sơ trực tuyến. Đặc biệt, các thành viên tổ nhiệt tình, trách nhiệm, tích cực tham gia tuyên truyền về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp gửi hồ sơ trực tuyến khi có nhu cầu đặc biệt là những người dân ở xa, người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 5 tháng cuối năm 2023, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC xã đã tiếp nhận và giải quyết 1.716 hồ sơ trực tuyến trong đó 2 tổ ATM đã hỗ trợ người dân gửi được 93 hồ sơ, các hồ sơ chủ yếu là chứng thực bản sao từ bản chính. Ngoài ra, trong tháng 11.2023 2 tổ tiếp tục tập trung hỗ trợ cùng tổ công nghệ số cộng đồng đến 8 thôn hướng dẫn người dân gửi hồ sơ gia đình văn hóa với 974 hồ sơ.

Được biết, mô hình ATM của xã Tân Quang được thành lập dựa trên Dự án triển khai sáng kiến “Cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ hành chính công cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” được Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Sở Nội vụ tỉnh Hà Giang ký kết ngày 14.11.2022, trong đó UNDP đóng vai trò là đối tác thực hiện. Dự án có tổng kinh phí thực hiện là 40.000 USD do UNDP tài trợ, được triển khai thí điểm tại 4 xã gồm: Tân Quang, Tân Lập (Bắc Quang), Nấm Dẩn, Quảng Nguyên (Xín Mần).

Sau 1 năm triển khai Dự án đã kết thúc và mang lại hiệu quả rõ rệt như: Đơn giản hóa 10 thủ tục hành chính công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công điện tử tỉnh Hà Giang, thể hiện sự quyết tâm tăng cường các TTHC ảnh hưởng trực tiếp nhất đến đời sống người dân. Đào tạo và huy động 10 công chức và 100 cá nhân từ các nhóm hỗ trợ số hóa thôn để hỗ trợ người dân trong cộng đồng vùng sâu, vùng xa thực hiện các TTHC thông qua các cổng dịch vụ điện tử. Hình thành các dịch vụ hành chính công điện tử di động với sự tham gia tích cực của các nhóm hỗ trợ số hóa tại các thôn vùng sâu, vùng xa của 4 xã…

Tuy Dự án thí điểm đã kết thúc vào cuối năm 2023, nhưng qua quá trình triển khai Dự án mang lại hiệu quả, do vậy xã Tân Quang vẫn tiếp tục duy trì hoạt động mô hình ATM di động này.

Có thể nói, mô hình ATM di động ở xã Tân Quang nói riêng và Dự án triển khai sáng kiến “Cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ hành chính công cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh nói chung là rất phù hợp và cần được phát triển nhân rộng trong thời gian tới. Đặc biệt là trong bối cảnh tỉnh ta còn khó khăn về nhiều mặt và nỗ lực đẩy mạnh công tác CCHC, trong đó tập trung các giải pháp nâng cao kết quả giải quyết TTHC và tập trung vào chuyển đổi số, nâng cao dịch vụ công nhất là hỗ trợ người dân tham gia giải quyết TTHC.

Bài, ảnh: Bằng Lang

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202406/hieu-qua-mo-hinh-atm-ho-tro-dich-vu-hanh-chinh-cong-di-dong-o-xa-tan-quang-f0d6479/