Hiệu quả mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ ở Sa Pả
Mạnh dạn, tự tin, dám nghĩ, dám làm là những phẩm chất đã giúp bà Lê Thị Hồi ở tổ 1, phường Sa Pả (thị xã Sa Pa) thành công với Hợp tác xã sản xuất, chế biến cây dược liệu, rau, củ sấy Sa Pa, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và hỗ trợ phụ nữ địa phương phát triển kinh tế.
Hiệu quả từ nấu cao atiso của gia đình trong nhiều năm liền trở thành tiền đề và động lực để bà Lê Thị Hồi nghiên cứu, tìm cách phát triển kinh tế từ những nông sản đặc hữu, vốn là lợi thế sẵn có của địa phương nhưng chưa được khai thác và sử dụng triệt để cũng như đem về nguồn thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra. Năm 2015, sau quá trình tìm hiểu, học hỏi từ nhiều nguồn, bà mạnh dạn đưa thêm rau, củ tươi vào sấy khô đóng gói bán ra thị trường. Đây là những sản phẩm an toàn, trong quá trình chế biến, sấy khô đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn thực phẩm.
Nhờ đó, các mặt hàng của gia đình bà Hồi đã tạo được uy tín và sự tin dùng của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Từ mô hình kinh tế của gia đình, cuối năm 2015, bà thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau, củ sấy và cao thiên nhiên Sa Pa, sau đó phát triển thành Hợp tác xã sản xuất, chế biến cây dược liệu, rau, củ sấy Sa Pa vào tháng 4/2019. Đến nay, hợp tác xã thu hút được 10 gia đình hội viên phụ nữ tại địa phương tham gia.
Chia sẻ về lý do thành lập hợp tác xã, bà Lê Thị Hồi nói: Người dân trồng cấy được nhiều loại rau, củ, quả sạch và tươi ngon nhưng việc tiêu thụ thì không đơn giản. Đôi khi thấy chị em phải vứt bỏ nhiều nông sản vì không bán được, tôi đã suy nghĩ tìm cách chế biến nông sản tươi thành những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, vừa giúp người dân tiêu thụ, vừa nâng cao thu nhập.
Với những kinh nghiệm tích lũy được, bà Hồi tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên trong hợp tác xã về kỹ thuật, kinh nghiệm chế biến cao atiso, cách thức sấy rau, củ. Ngoài các mặt hàng sấy khô theo mùa như cà rốt, su su, củ cải, mận, đào, măng... các thành viên còn chú trọng phát triển, mở rộng vùng trồng để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất cao atiso.
Được sự quan tâm, giúp đỡ của hội phụ nữ các cấp, Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI), mô hình của bà Hồi đã được hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm và kinh phí mua máy sấy rau, củ, quả phục vụ sản xuất, với tổng số tiền gần 100 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Vân, thành viên Hợp tác xã sản xuất, chế biến cây dược liệu, rau, củ sấy Sa Pa cho biết: Tham gia hợp tác xã, chúng tôi được các cấp, các ngành tạo điều kiện để sản xuất những sản phẩm chất lượng cao. Chị em cũng thấy tự tin hơn vì tự mình làm chủ kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.
Hiện nay, dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ sản phẩm chậm hơn trước, tuy nhiên, trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã sản xuất, chế biến cây dược liệu, rau, củ sấy Sa Pa nấu được khoảng 100 kg cao atiso và sấy hơn 2 tấn rau, củ tươi, cung cấp ra thị trường hàng tạ sản phẩm sấy khô các loại. Với giá bán dao động từ 80 đến 120 nghìn đồng/lạng cao atiso và khoảng 35 nghìn đồng/lạng rau, củ sấy, không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho mỗi thành viên, mà còn giúp nhiều hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo.
Bà Hầu Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa khẳng định: Hợp tác xã sản xuất, chế biến cây dược liệu, rau, củ sấy Sa Pa là mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ tiêu biểu của Sa Pa, phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, đặc biệt là những vùng chuyên canh trồng rau, củ. Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa tiếp tục định hướng, tuyên truyền tới hội viên các xã, phường nhân rộng mô hình.