Hiệu quả mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón

Sau hơn 2 tháng triển khai, mô hình điểm “Nông dân thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” tại thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường.

Cán bộ Hội Nông dân thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch thường xuyên giám sát việc thực hiện phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón của các hộ tham gia mô hình.

Cán bộ Hội Nông dân thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch thường xuyên giám sát việc thực hiện phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón của các hộ tham gia mô hình.

Công tác thu gom, xử lý rác thải đã và đang là vấn đề nan giải không chỉ ở khu vực đô thị, mà còn cả ở những vùng nông thôn. Dân số tăng lên, lượng rác thải phát sinh lớn khiến công tác thu gom và xử lý ở các địa phương ngày càng khó khăn.

Tuy nhiên, nếu làm tốt việc phân loại rác thải từ mỗi hộ dân thì bài toán sẽ phần nào được giải đáp. Bởi, sau khi phân loại, các loại rác thải như thùng catton, chai nhựa, túi nilon có thể tái chế; còn rác hữu cơ sẽ được thu gom, xử lý tại nguồn ủ làm phân bón cho cây trồng.

Nhận thức được ý nghĩa của việc phân loại, xử lý rác thải tại gia đình, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân (HND) tỉnh phối hợp với HND huyện Lập Thạch tiến hành khảo sát, lựa chọn 50 hộ dân ở tổ dân phố Quảng Khuân và tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn Hoa Sơn để triển khai thí điểm mô hình “Nông dân thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình”.

Tham gia mô hình, mỗi hộ dân sẽ được hỗ trợ 1 bộ thùng phân loại rác hữu cơ, vô cơ; 1 thùng ủ rác 250 lít và 4 gói chế phẩm sinh học của Công ty cổ phần Công nghệ vi sinh và môi trường (Hà Nội). Đồng thời, được cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cách phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại hộ thành phân bón cho cây trồng.

Để việc triển khai mô hình đạt hiệu quả, các cấp HND từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ thực hiện phân loại rác thải, hướng dẫn cách pha chế chế phẩm sinh học và ủ rác thải hữu cơ để tạo ra phân bón chất lượng cho các loại cây trồng; chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ, rút kinh nghiệm.

Chủ tịch HND thị trấn Hoa Sơn Hà Công Phiến cho biết: Quảng Khuân và Hòa Bình là 2 tổ dân phố có sản xuất nông nghiệp phát triển nên lượng rác thải hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp lớn, chiếm khoảng 70% tổng lượng rác thải phát sinh hằng ngày.

Sau khi được lựa chọn làm điểm thực hiện mô hình, HND thị trấn đã ra quyết định thành lập 2 câu lạc bộ thu gom, phân loại rác thải do Chi hội trưởng Chi hội nông dân làm chủ nhiệm.

Trong quá trình thực hiện, 2 câu lạc bộ đảm nhận nhiệm vụ giám sát, đôn đốc từng hộ dân trong việc phân loại rác thải và áp dụng quy trình xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón. Với sự tuyên truyền, hướng dẫn chi tiết, qua hơn 2 tháng triển khai, mô hình đã mang lại những hiệu quả bước đầu, được các hộ dân tích cực hưởng ứng.

Vào khu vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Soạn, tổ dân phố Quảng Khuân, cây nào, cấy nấy đều tươi tốt. Đang sử dụng nước rỉ ra từ rác đã ủ vi sinh để tưới cho các loại cây trồng trong vườn, bà Soạn cho biết: Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi thải ra môi trường từ 6 - 8kg rác thải, trong đó, có đến 70% là rác thải hữu cơ.

Trước đây mọi rác thải sinh hoạt của gia đình, tôi đều đổ vào thùng nhựa, bao tải để công nhân môi trường thu gom. Thế nhưng, sau khi được tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ vật tư để ủ rác thải hữu cơ thành phân bón, tôi hình thành ý thức, thói quen phân loại rác thải. Đối với các loại rác thải có thể tái chế tôi để riêng; còn rác hữu cơ được đem đi xử lý ngay.

Từ khi thực hiện phân loại, xử lý rác thải, gia đình giảm được lượng rác thải phải đem đi tiêu hủy đến 60%; hạn chế được mùi hôi thối phát sinh từ rác thải hữu cơ và có thêm nguồn phân bón chất lượng cho cây trồng, giúp tiết kiệm được tiền mua phân bón.

Theo đánh giá kết quả bước đầu của HND thị trấn Hoa Sơn, 100% rác hữu cơ phát sinh ở các hộ dân tham gia mô hình được phân loại và ủ làm phân vi sinh. Lượng rác phải thu gom và xử lý hằng ngày ở các gia đình đã giảm 60 - 70%, mùi hôi từ rác thải hữu cơ đã giảm hẳn.

Việc triển khai mô hình đã mang lại lợi ích cho cả người dân và chính quyền địa phương. Người dân đã có nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn, còn với địa phương giảm áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường.

Từ những hiệu quả bước đầu mà mô hình mang lại, HND thị trấn Hoa Sơn mong muốn, HND tỉnh, huyện tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình nhằm góp phần xử lý hiệu quả vấn đề rác thải, xây dựng môi trường nông thôn sạch, đẹp, trong lành.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/71811/hieu-qua-mo-hinh-phan-loai-va-xu-ly-rac-thai-huu-co-thanh-phan-bon.html