Hiệu quả mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón
Để giảm thiểu những tác động hàng ngày của con người đến môi trường, nhiều mô hình bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã được triển khai. Trong đó, mô hình 'thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón' được Hội Nông dân (HND) tỉnh điều tra, khảo sát thực địa, phối hợp với nông dân các địa phương xây dựng và áp dụng. Sau một thời gian thực hiện, mô hình mang lại những hiệu quả thiết thực, từng bước được nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh.
Xã Cư Yên (Lương Sơn) là địa phương được HND tỉnh chọn để triển khai xây dựng, thực hiện mô hình năm 2019. Cùng với sự tham gia, góp sức của 100 hộ hội viên nông dân 2 xóm Gừa và Phú Ngọc, xã chỉ đạo thành lập 1 tổ thợ xây gồm 5 người xây dựng công trình bể ủ phân bón. Đồng thời, thành lập tổ thu gom rác thải hữu cơ, chủ động mua thêm các chế phẩm sinh học, dụng cụ để ủ rác thải hữu cơ thành phân bón. Đến nay, sau hơn 2 tháng triển khai, toàn xã xây dựng được 10 bể ủ phân. Trong đó, có 2 nhà cấp 4 gồm 6 bể tập trung, mỗi nhà có diện tích 20 m2, 4 bể quy mô hộ gia đình có diện tích 6 m2 để ủ phân bón. Các hộ hội viên của 2 xóm được tập huấn, hướng dẫn cách phân loại rác thải, phương pháp ủ rác sinh hoạt thành phân hữu cơ.
Đồng chí Nguyễn Văn Thao, Chủ tịch HND xã Cư Yên cho biết: Sau khi bể ủ phân đầu tiên được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, nông dân địa phương có thêm nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất rau an toàn, tiết kiệm được nhiều chi phí, tăng năng suất. Vì vậy, khi xây dựng các bể tiếp theo đã nhận được sự đồng tình của hầu hết người dân địa phương. Quy trình ủ phân tương đối đơn giản, bằng việc tận dụng các loại rác thải hữu cơ trong gia đình, sản xuất nông nghiệp như lá cây, cỏ khô, cơm thừa, rau, quả hỏng, đầu cá, rơm rạ... cho vào bể, pha thêm men vi sinh cùng một số chế phẩm sinh học phun lên bề mặt rác thải và đậy kín. Sau khoảng 30-35 ngày, lớp rác thải bên dưới sẽ được phân hủy thành phân hữu cơ mịn, xốp, có màu đen, không mùi. Có thể sử dụng bón trực tiếp cho cây trồng hoặc phơi khô, cán nhỏ dự trữ trong bao bì lâu dài. Phân bón hữu cơ góp phần cải tạo đất, cung cấp lượng dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, khả năng chống chịu tốt hơn so với phân bón hóa học.
Mô hình "thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón" khi triển khai đã gây được sự chú ý của cộng đồng bởi phương pháp dễ làm, chi phí thấp, góp phần rõ rệt trong việc giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Đến nay, mô hình được thực hiện tại 2 xã Yên Mông (TP Hòa Bình) và Cư Yên (Lương Sơn) với 200 hộ hội viên nông dân tham gia. Đồng chí Lê Văn Thạch, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Sau một thời gian triển khai, mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực. Không chỉ góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, phân hữu cơ sau khi ủ được đem vào sử dụng đã giảm đi 20% chi phí cho việc mua các loại phân bón trong sản xuất, đồng thời tăng 20% năng suất lao động, giúp cây trồng phát triển tốt, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Lượng rác thải sinh hoạt trong gia đình giảm trông thấy. Cũng qua việc thực hiện mô hình, người dân được tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức, trình độ trong thu gom, phân loại, xử lý rác thải, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục phối hợp với xã Cư Yên trong chỉ đạo triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình trên địa bàn xã. Đồng thời, phối hợp với các cấp Hội tại các địa phương nghiên cứu, khảo sát thực địa để nhân rộng mô hình.