Hiệu quả mô hình tổ liên kết chăn nuôi
Từ nguồn vốn do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình tổ liên kết nuôi bò sinh sản, Hội LHPN huyện Yên Châu đã triển khai kịp thời đến cơ sở, giúp các hội viên nghèo phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tháng 9/2019, mô hình tổ liên kết chăn nuôi bò sinh sản được triển khai tại bản Tà Làng Thấp, xã Tú Nang, do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ cho các hộ gia đình phụ nữ nghèo, Hội LHPN huyện Yên Châu đã rà soát các đối tượng, lựa chọn hội viên có nhu cầu và có khả năng chăn nuôi bò. Sau đó, tổ chức họp thống nhất và công khai danh sách 15 thành viên tham gia tổ liên kết, với số tiền hỗ trợ cho vay không lãi suất là 225 triệu đồng.
Tham gia mô hình, mỗi thành viên được vay tối đa 15 triệu đồng trong thời gian 3 năm và không tính lãi suất để mua bò sinh sản. Các thành viên vay vốn trả gốc phân kỳ làm 3 lần trong 3 năm, năm thứ nhất trả 20%, năm thứ 2 trả 40% và năm thứ 3 trả 40%. Sau mỗi đợt thu gốc, Ban quản lý tổ liên kết phối hợp với hội phụ nữ xã, chi hội phụ nữ bản tổ chức họp, tiếp tục xét đối tượng hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo có nhu cầu, khả năng chăn nuôi bò sinh sản để tham gia mô hình.
Bà Vì Thị Quỳnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tú Nang, chia sẻ: Ngay sau khi các tổ liên kết ra mắt, chúng tôi bầu ban quản lý, ban hành quy chế hoạt động. Ban quản lý có nhiệm vụ phối hợp với cán bộ thú y xã hướng dẫn và giám sát quá trình chăm sóc đàn bò, hướng dẫn hội viên trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi. Thành viên trong tổ lập sổ theo dõi, quản lý nguồn kinh phí hỗ trợ, con giống theo quy chế hoạt động. Định kỳ 3 tháng/1 lần, tổ chức họp trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi.
Sau 1 năm thực hiện, các thành viên đã triển khai thực hiện hiệu quả mô hình. Đến năm 2020, đã thu hồi vốn lần 1 và tiếp tục cho thêm 3 hộ khác vay vốn. Hội LHPN tỉnh tiếp tục hỗ trợ 285 triệu đồng để nhân rộng mô hình tại bản Tin Tốc và bản Tà Làng Cao. Hiện nay, Hội Phụ nữ xã Tú Nang đang quản lý 3 tổ liên kết với 54 thành viên, quy mô 101 con bò sinh sản.
Đến thăm mô hình nuôi bò sinh sản của hội viên phụ nữ Lò Thị Nguyện, bản Tin Tốc, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Năm 2020, gia đình vay 15 triệu đồng từ mô hình và vay thêm 30 triệu đồng từ người thân để mua 2 cặp bò sinh sản. Chị Nguyện tâm sự: Tham gia mô hình, gia đình tôi được vay vốn không tính lãi. Hiện nay, gia đình duy trì nuôi 6 con bò, trung bình mỗi năm xuất bán 2 con, thu nhập gần 30 triệu đồng từ nuôi bò.
Bà Quàng Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Châu, cho biết: Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn hẳn so với phương thức nuôi truyền thống. Đồng thời, giúp hội viên phát huy tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ nhau, tạo sự lan tỏa phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế để thoát nghèo. Trong quá trình thực hiện mô hình, do ảnh hưởng bởi dịch viêm da nổi cục ở trâu bò, 2 mô hình ở bản Tà Làng Thấp và Tin Tốc có 3 con bò bị mắc bệnh phải tiêu hủy. Hội LHPN huyện đã tuyên truyền các hộ tiêu hủy, khử khuẩn, tránh mầm bệnh lây lan. UBND huyện cũng đã hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng mua lại bò giống, Hội LHPN tỉnh giãn nợ giúp các hộ gặp rủi ro khắc phục khó khăn, yên tâm sản xuất.
Mô hình liên kết chăn nuôi bò sinh sản của Hội LHPN tỉnh hỗ trợ tại Hội Phụ nữ xã Tú Nang bước đầu giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ; trao cơ hội cho hội viên nghèo thoát nghèo, góp phần thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/hieu-qua-mo-hinh-to-lien-ket-chan-nuoi-lauwiaXVR.html