Hiệu quả mô hình trồng rau an toàn tại trường học
Thực phẩm sạch hiện đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm, đặc biệt là phụ huynh học sinh (HS). Để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho HS, những năm gần đây, nhiều trường học trên địa bàn huyện Bắc Mê đã tận dụng những diện tích đất trống để trồng rau sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn bán trú.
Để HS được ăn những thực phẩm sạch, an toàn; những năm qua, Trường Tiểu học DTBT Giáp Trung đã tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên cải tạo những diện tích đất trống của trường để trồng rau. Với diện tích khoảng 300 m2, vườn rau của trường được chia thành nhiều luống và chia cho từng lớp với đủ các loại rau: Mồng tơi, rau cải, bắp cải, su hào, rau muống,… từ cách chọn mua hạt giống đến chăm sóc đều được các thầy, cô giáo nhà trường tìm hiểu và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật; đặc biệt là không sử dụng thuốc hóa học, để đảm bảo cung cấp thực phẩm bữa ăn cho HS được an toàn. Trung bình mỗi ngày, vườn rau của Trường Tiểu học DTBT Giáp Trung cung cấp hơn 10 kg rau phục vụ nhu cầu cho gần 400 khẩu phần ăn bán trú tại trường chính. Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho nhà trường, vườn rau còn là nơi để học sinh tham gia trải nghiệm các tiết học thực tế.
Đến thăm vườn rau sạch tại Trường Tiểu học DTBT Giáp Trung trong lúc HS đang chăm sóc và thu hái rau bán cho bếp ăn bán trú để chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Cô giáo Vàng Thị Chợ, cho biết: Hàng ngày, nhà trường mua lại rau cho HS; tùy vào thực đơn ăn của từng tuần, từng ngày; hôm thì rau cải canh nấu thịt, hôm thì rau muống xào hoặc luộc,… vừa sạch, lại đảm bảo vệ sinh an toàn thự phẩm. Mùa nào rau ấy, nhà trường lại mua hạt giống về để luôn cung ứng đủ rau sạch cho bữa ăn hàng ngày của HS.
Cô giáo Trần Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học DTBT Giáp Trung, chia sẻ: Mô hình trồng rau sạch của nhà trường được thực hiện hơn 4 năm nay. Tận dụng những khoảng đất trống, nhà trường chia cho từng lớp để trồng các loại rau, trồng chuối. Sau đó, nhà trường sẽ mua lại rau của các lớp. Số tiền bán rau được các thầy, cô chủ nhiệm lớp dùng làm quỹ lớp, mua sách, vở… Năm học 2018 - 2019, các lớp trong trường bán được hơn 10 tấn rau, 200 buồng chuối, đu đủ và nuôi lợn; tổng trị giá trên 100 triệu đồng. Vườn rau của nhà trường luôn xanh tốt, mùa nào thức ấy. Bốn mùa, HS nhà trường đều có rau xanh để cải thiện bữa ăn. Không chỉ cung cấp đủ rau xanh cho bữa ăn của HS bán trú trong trường, mà còn có bán ra ngoài để gây quỹ hoạt động.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Mê, cho biết: Toàn huyện có 43 trường; trong đó, có 40 trường trực thuộc Phòng GD&ĐT. Hầu như các trường đều xây dựng được mô hình trồng rau, tuy quỹ đất của các trường không nhiều, nhưng các thầy, cô giáo và HS đã tận dụng tối đa những khoảng đất trống để trồng rau. Bằng việc tạo ra những vườn rau xanh - sạch - an toàn; cùng đó, các trường học trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt công tác kiểm soát từ khâu đầu vào của thực phẩm, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như bảo vệ an toàn sức khỏe của HS, góp phần tạo địa chỉ tin cậy cho các bậc phụ huynh gửi gắm con em mình đến trường.
Hiện nay, mô hình trồng rau sạch, an toàn phục vụ bữa ăn cho HS được nhiều trường học trên địa bàn huyện thực hiện; nhất là các trường mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, để cung cấp đủ và thường xuyên; các trường cần tận dụng, cải tạo vườn, đất trống thành những vườn rau sạch. Qua đó, không chỉ cải thiện bữa ăn xanh, sạch; đồng thời còn lồng ghép các chương trình kỹ năng sống và để HS có cơ hội trải nghiệm về cách làm quen với thiên nhiên, tìm hiểu và phân biệt các loại rau,… giúp HS phát triển một cách toàn diện.
Có thể nói, những vườn rau sạch tại các trường học trên địa bàn huyện Bắc Mê rất cần được nhân rộng, để HS được ăn những thực phẩm đảm bảo sạch, an toàn và có một môi trường thiên nhiên thân thiện cho HS học tập và vui chơi,…cũng như bảo vệ an toàn sức khỏe cho HS.
Bài, ảnh: VĂN QUÂN