Hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Những năm qua, huyện Phù Yên tập trung triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương theo hướng bền vững.

Bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên. Ảnh: PV

Bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên. Ảnh: PV

Khởi sắc các vùng quê

Giai đoạn 2019-2024, huyện Phù Yên được giao 281,59 tỷ đồng thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 65,7 tỷ đồng; giảm nghèo bền vững 18,76 tỷ đồng; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 197,09 tỷ đồng.

Ông Phan Quý Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: UBND huyện chỉ đạo các xã rà soát nhu cầu của người dân, triển khai đầu tư đúng địa bàn, đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đồng bào dân tộc. Quá trình thực hiện, bảo đảm quy trình thẩm định, bố trí, giải ngân vốn đầu tư đúng quy định của pháp luật và Luật Ngân sách. Trong đó, chú trọng phân cấp cho xã làm chủ đầu tư một số công trình, tập trung ưu tiên xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ đời sống, sản xuất nhân dân. Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đầu tư thực hiện 90 công trình. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 61 công trình; xây dựng nông thôn mới 29 công trình.

Cũng từ nguồn vốn được phân bổ, UBND huyện đã phân bổ, hỗ trợ các xã chưa hoàn thành tiêu chí quy hoạch giai đoạn 2021-2025, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở. Trong đó, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 3 nhà văn hóa các bản Khoai Lang, Đất Lành, bản Thải, xã Mường Thải, tổng kế hoạch vốn 1,2 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 2 nhà văn hóa bản và cổng chào tại xã Mường Cơi, kinh phí 475 triệu đồng; xây mới 2 nhà văn hóa bản Tồng Cẩu, xã Mường Thải, bản Muống Thượng, xã Huy Tường, tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng...

Xã Tân Lang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, tuy nhiên, tuyến tỉnh lộ 114 đoạn qua bản Thịnh Lang thời điểm đó có lòng đường hẹp, gây khó khăn cho các phương tiện đi lại. UBND xã đã có tờ trình đề nghị các cấp xem xét mở rộng đoạn đường, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, giao thương thuận lợi. Đến năm 2022, từ nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, hơn 1 km đường được sửa chữa, nâng cấp và mở rộng, với chiều rộng 15m, tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng. Đến nay, các xe ô tô có kích thước lớn đã dễ dàng vào thu mua nông sản, trái cây cho bà con.

Ông Lê Hồng Tân, bản Thịnh Lang, xã Tân Lang, chia sẻ niềm vui: Bản Thịnh Lang được coi là đầu mối thu mua nông sản của xã, do đó, số lượng phương tiện qua lại rất lớn. Bà con đã kiến nghị nhà nước đầu tư, mở rộng tuyến đường và được đáp ứng nguyện vọng. Khi chủ trương mở rộng tuyến đường được thông báo, các hộ ở mặt đường tự nguyện hiến đất, phá bờ rào, nhường trên 1.500m² đất mở rộng đường. Giờ đây, đường vào bản rộng, đẹp, nhân dân vô cùng phấn khởi.

Còn tại xã Huy Tường, xã phấn đấu đạt chuẩn NTM cuối năm 2024. Từ đầu năm đến nay, được giao nguồn vốn 208,8 triệu đồng, xã hoàn thành việc đổ bê tông các tuyến đường giao thông nội bản, với chiều dài trên 700m. Ông Hà Thanh Chúc, Chủ tịch UBND xã Huy Tường, báo tin vui: Ngoài các tuyến đường, xã vừa sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa của 2 bản Nong Pùng, Suối Pai, giúp bà con có chỗ sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tường Tiến, huyện Phù Yên, hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc chữa bệnh.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tường Tiến, huyện Phù Yên, hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc chữa bệnh.

Nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đã làm đổi thay diện mạo các xã nông thôn của Phù Yên. Đến hết tháng 6/2024, huyện có 10 xã đạt chuẩn NTM; toàn huyện có 150 tuyến đường được hỗ trợ xi măng để bê tông hóa, tổng kinh phí trên 17,636 tỷ đồng; 100% xã có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã; 95,2% số hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% số xã, thị trấn có trạm y tế, bảo đảm chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân... Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 24,31% năm 2023.

Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng NN và PTNT huyện, thông tin: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai các dự án sản xuất, chăn nuôi đã góp phần chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, nhân dân từng bước ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Toàn huyện đang có 2.460 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt gần 50.000 tấn/năm; có 15 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản phát triển, tổng đàn gia súc 120.490 con; đàn gia cầm 799.000 con; diện tích nuôi trồng thủy sản 3.350 ha...

Nhân dân xã Quang Huy, huyện Phù Yên, chăm sóc lúa mùa.

Nhân dân xã Quang Huy, huyện Phù Yên, chăm sóc lúa mùa.

Gỡ khó để triển khai các chương trình

Huyện Phù Yên có 27 xã, thị trấn, 203 bản, tiểu khu, trên 28.000 hộ dân thuộc 8 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 88,65%, đời sống bà con còn nhiều khó khăn.

Tiếp tục triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học... Khảo sát, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội các xã, bản đặc biệt khó khăn làm cơ sở xây dựng các nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm tiếp theo.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của hộ dân xã Mường Lang, huyện Phù Yên.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của hộ dân xã Mường Lang, huyện Phù Yên.

Ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện bộc bạch: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện còn thấp, có một số nội dung chưa giải ngân được, như hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; tiểu dự án bảo tồn lễ hội cầu mùa của dân tộc Mông, xã Suối Bau; thành lập, hoạt động CLB sinh hoạt văn hóa dân gian bản Khoai Lang, xã Mường Thải... Nguyên nhân, do một số dự án, tiểu dự án, mặc dù đã có nội dung quy định về định mức, hướng dẫn ban hành, nhưng nội dung trích dẫn liên quan đến nhiều văn bản khác, gây khó khăn trong thực hiện. Hơn nữa, các xã và cộng đồng dân cư thiếu chủ động nghiên cứu, đề xuất, lựa chọn dự án, mô hình đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo. Hoạt động của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia một số xã còn hạn chế, các thành viên hoạt động kiêm nhiệm, dẫn đến công tác chỉ đạo điều hành lúng túng, việc lập kế hoạch triển khai chính sách chậm.

Khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, huyện Phù Yên tập trung chỉ đạo các xã tiếp tục thực hiện các tiêu chí NTM đã đăng ký. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn, nhất là nguồn vốn sự nghiệp đối với các dự án, tiểu dự án chưa giải ngân đã xác định được nội dung, định mức chi và các dự án thành phần của chương trình đảm bảo đúng quy trình, giải ngân đúng tiến độ...

Tiếp tục chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân, huyện Phù Yên tập trung chỉ đạo sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo bền vững; đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, phấn đấu năm 2024 giảm 4,53% hộ nghèo.

Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-thon-moi/hieu-qua-nguon-von-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-UfXra3CIg.html