Hiệu quả những mô hình sản xuất mới ở Đam Rông

Với mục tiêu giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đổi mới tư duy, chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, Chương trình Sự nghiệp nông nghiệp được triển khai ở huyện Đam Rông đã thực sự mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ nghèo đã cải thiện nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

Nhờ trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Đạ M’rông đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo

Nhờ trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Đạ M’rông đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo

Những năm qua, từ nguồn vốn đầu tư thuộc Chương trình Sự nghiệp nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông đã được phân bổ kinh phí hàng chục tỷ đồng tập trung triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương như: Mô hình phát triển Trồng dâu nuôi tằm, Mô hình Ghép cải tạo vườn cà phê kém hiệu quả, các mô hình trồng cây mắc ca xen trong vườn cà phê, trồng cây dứa trên đất dốc và Mô hình Trồng cây ăn trái…

Song song với việc triển khai các mô hình nói trên, trong 2 năm trở lại đây, Trung tâm Nông nghiệp huyện còn triển khai thực hiện có hiệu quả Mô hình kinh tế Vườn hộ kiểu mẫu tại hai xã Đạ M’rông và Đạ Long. Đến thăm Mô hình kinh tế Vườn hộ kiểu mẫu của các nông hộ Liêng Hót Ha Krong, Rơ Ông Ha Đơi và Ha Srêt (xã Đạ Long)…, chúng tôi nhận thấy, các mô hình được triển khai trên diện 1.000 m2 và được rào kiên cố bằng lưới B40. Mỗi mô hình được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, dân đối ứng với số tiền từ 15 - 20 triệu đồng/mô hình. Ông Liêng Hót Ha Krong chia sẻ: “Được triển khai thực hiện từ năm 2021, đến nay gia đình tôi đã nuôi 3 lứa gà, vịt thả vườn. Mỗi lứa nuôi trên 100 con gà, trên 50 con vịt bầu, vịt xiêm, nuôi trong thời gian 3 tháng là có thể xuất bán. Ngoài ra, chúng tôi còn kết hợp trồng rau màu (ớt, đu đủ, su su, đậu…), đầu tư xây dựng thêm chuồng trại nuôi lợn đen và tận dụng triệt để thức ăn sẵn có tại chỗ, các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho vật nuôi, nên giảm nhiều chi phí. Từ mô hình này, vừa cải thiện cuộc sống gia đình vừa tăng thêm thu nhập và mỗi năm bình quân thu nhập của gia đình tôi đạt 150 triệu đồng”.

Theo Hội Nông dân xã Đạ Long, trước đây, bà con trong xã đã có thói quen chăn nuôi thả rong, vật nuôi không chỉ thường xuyên phá hoại vườn tược hàng xóm mà còn vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa không kiểm soát được dịch bệnh, hiệu quả kinh tế đạt thấp. Đến nay, xã Đạ Long đã có 10 mô hình kinh tế vườn hộ kiểu mẫu với thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Sáng - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông, cho biết: “Qua triển khai, mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực, vừa cải thiện nâng cao thu nhập cho người dân vừa hạn chế tình trạng nuôi súc vật thả rong; đồng thời từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi và hạn chế việc người dân bán đất, phá rừng làm nương rẫy… Qua đó, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

Còn hộ ông Rơ Ông Ha Lanh, bà Rơ Lík K’Khim (Thôn Liêng Krắc II, xã Đạ M’rông) là một trong những hộ nghèo của xã. Mặc dù, gia đình bà K’Khim có 1 ha đất canh tác cà phê và 2 sào lúa nước, nhưng do hạn chế về kiến thức khoa học - kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư nên hộ bà vẫn chưa thể thoát nghèo. Thấy hoàn cảnh khó khăn, năm 2018, gia đình bà K’Khim được chính quyền địa phương và Trung tâm Nông nghiệp huyện chọn triển khai Mô hình Trồng dâu, nuôi tằm. “Với 3 sào dâu, mỗi tháng gia đình tôi nuôi 2 lứa, mỗi lứa nuôi 0,5 gam tằm con (nuôi gối vụ). Sau khi trừ chi phí, bình quân gia đình thu lãi 10 triệu đồng/tháng. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo.”, bà K’Khim bày tỏ.

Chị Ma Rương - cán bộ khuyến nông viên xã Đạ M’rông cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 300 hộ trồng 82,5 ha dâu, trong đó có 102 hộ nuôi tằm. Số hộ nuôi còn ít so với thực tế là do nhiều hộ không có diện tích nhà nuôi tằm, thiếu dụng cụ nuôi. Những hộ đang nuôi đa phần là giàn do Nhà nước hỗ trợ, còn những hộ chưa nuôi chủ yếu bán lá dâu cho bà con trong vùng.

Nhờ mạnh dạn học hỏi, tận dụng diện tích sẵn có để chuyển đổi trồng dâu, nuôi tằm, nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Đạ M’rông đã có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, hoa màu. Hiệu quả nguồn vốn đầu tư thấp, tạo công ăn việc làm hàng tháng và đã có nguồn thu nhập ổn định, nên không chỉ riêng hộ bà K’Khim và ông Rơ Ông Ha Lanh mà còn nhiều hộ khác đã thoát nghèo từ trồng dâu, nuôi tằm. Để giúp bà con tiếp tục cải thiện, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, trong năm 2022, xã Đạ M’rông tiếp tục được Nhà nước phân bổ kinh phí, hỗ trợ 34 bộ giàn, dụng cụ nuôi tằm cho bà con trên địa bàn xã, trong đó có 13 bộ giàn do Trung tâm Nông nghiệp huyện hỗ trợ.

NDONG BRỪM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202209/hieu-qua-nhung-mo-hinh-san-xuat-moi-o-dam-rong-3135530/