Hiệu quả nuôi cá lồng trên sông
Tận dụng điều kiện tự nhiên với dòng sông Hồng, sông Luộc chảy qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông theo tiêu chuẩn VietGAP, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 500 lồng cá, tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, và thành phố Hưng Yên. Đối tượng nuôi chính là cá lăng chấm, cá trắm cỏ, cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá chép giòn, cá ngạnh… Cá nuôi trong lồng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, nuôi được nhiều chủng loại..., góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, môi trường nuôi cá ít bị ô nhiễm, lượng oxy trong nước cao, nguồn nước được lưu thông cũng là điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng , phát triển tốt chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng yêu thích, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Các mô hình nuôi cá lồng trên sông cho năng suất cao hơn so với nuôi cá thâm canh trong ao, đạt từ 4 đến 6 tấn/chu kỳ nuôi. Mỗi năm, người nuôi có thể thâm canh 2 - 2,5 chu kỳ nuôi.
Nuôi cá lồng theo quy trình VietGAP của ông Trần Văn Mý, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên)
Ông Trần Văn Mý, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) nuôi cá lồng từ năm 2020 đến nay cho biết tổng chi phí ban đầu cho 1 lồng có thể tích 220m3/lồng từ 40 đến 50 triệu đồng. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất và nắm vững kỹ thuật nuôi nên mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông Mý luôn phát triển và cho thu nhập ổn định qua các năm. Ông Mý chia sẻ: Nuôi cá lồng trên sông vừa dùng thức ăn công nghiệp, vừa kết hợp phụ phẩm nông nghiệp, lại được nuôi trong môi trường nước sạch, chảy liên tục nên cá khỏe mạnh, lớn nhanh, thịt thơm ngon. Để nuôi cá lồng trên sông đạt hiệu quả cao, người nuôi cần lưu ý các kỹ thuật như: Vị trí đặt lồng, chọn cá giống, quản lý, chăm sóc… Trong quá trình nuôi, mỗi tuần vệ sinh lồng 1 lần trở lên, loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng bám vào cụm lồng nuôi, vớt bỏ thức ăn thừa trong lồng bè. Bên cạnh đó, cần áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh cho cá. Nếu bảo đảm được nguồn nước sạch, chăm sóc đúng kỹ thuật, hiệu quả kinh tế nuôi cá lồng trên sông mang lại gấp nhiều lần so với nuôi cá truyền thống. Từ mô hình nuôi cá lồng trên sông, bình quân hàng năm gia đình ông Mý thu nhập 2 tỷ đồng. Theo kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông cho biết: Nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên vốn đầu tư ban đầu lớn, đặc biệt là phải đối diện với những rủi ro trong mùa mưa bão. Nếu thời tiết thuận lợi, dòng nước ổn định, không có dịch bệnh; người nuôi nắm vững được kỹ thuật nuôi cũng như chuẩn bị tốt các biện pháp phòng, chống thiên tai để bảo vệ các lồng nuôi cá thì cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định.Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và các địa phương, nghề nuôi cá lồng hiện nay cũng gặp những khó khăn như việc quy hoạch còn thiếu đồng bộ, vốn đầu tư lớn. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cá và chất lượng sản phẩm; thị trường tiêu thụ phụ thuộc chủ yếu vào thương lái, chưa tổ chức được nhiều mô hình liên kết sản xuất nên giá sản phẩm không ổn định...Để nuôi cá lồng nước ngọt mang lại hiệu quả cao, thời gian tới, các địa phương cần quy hoạch vùng nuôi, hạn chế tình trạng số lồng vượt quá quy định dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường, gặp nhiều rủi ro, sản lượng không cao. Bên cạnh đó, cần tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm cho người dân, khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người nuôi. Tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến nông về thủy sản để đưa vào nuôi những giống thủy sản có chất lượng cao, đẩy mạnh nuôi các loài thủy sản nước ngọt có giá trị cao, các loài thủy đặc sản như: cá lăng chấm, chép giòn…
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202208/hieu-qua-nuoi-ca-long-tren-song-dd33a0f/