Hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) trong tỉnh ngày càng có sức lan tỏa và thu hút nhiều nông dân tham gia. Từ phong trào, đã có nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu, thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình.
Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Nguyễn Xuân Sơn, ở xã Xuân Trường (Thọ Xuân) hàng năm cho thu nhập cao.
Đến thăm trang trại chăn nuôi của gia đình anh Lê Công Nam, ở xã Vạn Thắng (Nông Cống), chúng tôi được biết, trước đây nguồn thu nhập của gia đình anh Nam chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2010, nhờ có sự động viên giúp đỡ từ phía gia đình, anh Nam mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng vào phát triển mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp trên diện tích đất 4,2 ha. Thời gian đầu khi bắt tay vào xây dựng trang trại, dẫu gặp không ít khó khăn, nhưng với quyết tâm thoát nghèo người thanh niên trẻ này đã vượt lên tất cả. Sau 10 năm, anh Lê Công Nam đã biến bãi đất hoang khô cằn trở thành những ao cá, vườn cây xanh tươi, trù phú. Hiện nay, trung bình mỗi năm, trang trại của gia đình anh cho thu lãi trên 300 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Để có được mô hình sản xuất hiệu quả như hiện nay, gia đình anh Lê Danh Trường, ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) cũng đã phải trải qua vô vàn khó khăn, vất vả. Nhận thấy địa phương có tiềm năng về đất đai, năm 2010, anh Trường quyết định vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển kinh tế. Với gần 2 ha đất, anh dành 1,5 ha trồng cây ăn quả. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi gà, vịt, đào ao thả cá, vừa cải thiện đời sống, vừa tăng thêm thu nhập. Hiện nay, trang trại của gia đình anh hàng năm cho thu lãi gần 300 triệu đồng.
Được xác định là một trong 3 phong trào lớn của hội, trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKDG được các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Hàng năm, các cấp HND trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật (TBKHKT) cho nông dân, tham quan học tập và xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, động viên hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa TBKHKT vào sản xuất, đầu tư có trọng điểm, phù hợp với thực tế của hộ gia đình. Bên cạnh đó, các cấp HND trong tỉnh còn làm tốt vai trò cầu nối với các ngân hàng nhằm tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi. Vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi các loại cây cho giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây phù hợp cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hộ gia đình sang sản xuất mang tính chất nhóm, tổ... Đến nay, tổng số vốn ủy thác của các ngân hàng là trên 10.729 tỷ đồng cho hơn 188.000 hộ vay phát triển sản xuất. Hội đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, cung ứng chậm trả được 100.000 tấn phân bón các loại cho nông dân, bảo đảm chất lượng. Hoạt động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân cũng được các cấp hội chú trọng, đến nay tổng nguồn quỹ do hội đang quản lý và sử dụng là trên 57 tỷ đồng, đây cũng là nguồn vốn quan trọng giúp xây dựng các mô hình sản xuất để tuyên truyền cho nông dân thực hiện... Từ trong phong trào nông dân thi đua SXKDG, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam. Toàn tỉnh đã có 178.400 hộ đạt danh hiệu gia đình nông dân SXKDG các cấp.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Phong trào nông dân thi đua SXKDG thời gian qua đã góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản quy mô lớn trong tỉnh, nhiều hội viên nông dân đã liên kết để tham gia sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng quy trình sản xuất khép kín an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông dân sản xuất hàng hóa đặc trưng. Phong trào nông dân thi đua SXKDG góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân; thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả. Thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh, chỉ đạo phong trào, khích lệ hội viên thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tuyên truyền, vận động nông dân gắn sản xuất với thị trường, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập.