Hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhận thức, tư duy của Người dân về sản xuất nông nghiệp thay đổi tích cực. Người dân đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, quy mô lớn với tiêu chuẩn chất lượng cao. Phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh đến năm 2025 đã hoàn thành và vượt một số mục tiêu đề ra, như diện tích chè, quế, dược liệu, chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang sản xuất cây, con chủ lực; xây dựng sản phẩm OCOP 3 - 5 sao.

 Sản phẩm nông nghiệp hàng hóa Lào Cai được bán tại nhiều nơi trên toàn quốc.

Sản phẩm nông nghiệp hàng hóa Lào Cai được bán tại nhiều nơi trên toàn quốc.

Là một trong những hộ thành công với việc canh tác chè tại thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, ông Sùng Seo Pao chia sẻ: “Sau nhiều năm sống phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn với năng suất thấp, thu nhập bấp bênh, gia đình đã chuyển sang trồng chè hàng hóa với thu nhập ổn định hơn”. Năm 2014, gia đình ông Pao cùng nhiều hộ khác trong thôn được cán bộ xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi đất trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây chè. Nhận thấy đây là hướng đi tiềm năng, gia đình ông đã tiên phong trồng 3 ha chè theo hướng hàng hóa. Ngoài giống chè được Nhà nước hỗ trợ, ông còn được tham gia học kiến thức, kỹ thuật để trồng, chăm sóc chè hiệu quả. Đến nay, diện tích chè đã đem lại nguồn thu hơn 200 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, gia đình ông Pao sớm thoát nghèo và nhanh chóng vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện. Không những thế, ông còn chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhiều hộ trong thôn mở ra hướng thoát nghèo.

Tại xã Bản Sen (Mường Khương), được thành lập từ năm 2020, Hợp tác xã Bản Sen sau 4 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chè cũng đã gặt hái nhiều thành công với mô hình liên kết sản xuất hàng hóa với nông dân trong vùng. Hiện, hợp tác xã thực hiện liên kết tiêu thụ vùng chè 900 ha của nông dân các xã Bản Sen, Bản Lầu, Lùng Khấu Nhin, Nấm Lư; có nhà máy chế biến chè với công suất 20 tấn chè búp tươi/ngày. Năm 2024, hợp tác xã có 2 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Ông Trần Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Bản Sen cho biết: Mỗi năm, hợp tác xã thu mua, chế biến 10.000 tấn chè búp tươi cho nông dân. Sản phẩm sau chế biến được xuất khẩu đi các nước Trung Đông, Afghanistan và một phần tiêu thụ nội địa. Ngoài tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hợp tác xã còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Tại thị xã Sa Pa, Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sapa đang liên kết chuỗi sản xuất 45,5 ha cây actiso của người dân trên địa bàn. Mỗi năm, cây actiso cho thu hoạch khoảng 2.000 tấn, mang lại thu nhập gần 5 tỷ đồng cho người trồng. 100% diện tích và sản phẩm của cây actiso được công ty thu mua và chế biến. Hiện, công ty đã đưa vào chế biến sâu tạo ra sản phẩm actiso có thương hiệu, giá trị cao. Điển hình là sản phẩm cao mềm actiso Sa Pa và trà phun sương actiso Sa Pa đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 5 sao, được cấp chứng nhận đạt chuẩn GACP-WHO.

 Dược liệu atiso do nông dân Sa Pa sản xuất.

Dược liệu atiso do nông dân Sa Pa sản xuất.

Ông Đỗ Tiến Sĩ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sapa cho biết: Công ty luôn tạo sự liên kết bền vững với người sản xuất nguyên liệu theo nhóm hộ để mô hình phát triển bền vững hơn và hướng tới sản xuất vùng trồng dược liệu chất lượng, tạo hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, chế biến sâu sản phẩm để từng bước đưa dược liệu Sa Pa vươn ra thế giới.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau hơn 3 năm đã chuyển đổi được 12.601/12.000 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây chủ lực, vượt 5% mục tiêu đề ra. Thu hút đầu tư mới và nâng cấp được 34 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp (22 dự án đầu tư mới và 12 dự án nâng cấp nhà máy, cơ sở chế biến); hiện còn 33 dự án đang hoạt động, đạt 82,5% mục tiêu. Các nhà máy chế biến nông - lâm - thủy sản được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chế biến và bảo quản sản phẩm nông - lâm sản.

Toàn tỉnh đến nay đã xác nhận được 168/179 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; có 44,2 ha được chứng nhận VietGAP còn hiệu lực; 13 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực, diện tích theo chuỗi giá trị đạt 4.326 ha với 6.150 hộ tham gia liên kết. Tỉnh có 107 doanh nghiệp, hợp tác xã và 331 dòng sản phẩm trên hệ thống minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản; hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp với 440 sản phẩm/239 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân tham gia.

 Chăn nuôi lợn đen hàng hóa tại huyện Bát Xát.

Chăn nuôi lợn đen hàng hóa tại huyện Bát Xát.

Tổng nhu cầu vốn cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa toàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 rất lớn, khoảng 4.310 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 680 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 3.630 tỷ đồng. Giai đoạn 2022 - 2024, tỉnh đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ hơn 564 dự án với tổng kinh phí 873 tỷ đồng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy cơ sở, coi nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, có giải pháp tốt triển khai, thực hiện hiệu quả, thực chất, lâu dài. Sử dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa để phát triển. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hàng hóa…

Đức Nguyễn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hieu-qua-san-xuat-nong-nghiep-hang-hoa-post397689.html