Hiệu quả sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu
Thời gian qua, việc sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP) được ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu thị trường. Nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP được hình thành và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông trại Thủy Chung, thị trấn Vân Du (Thạch Thành) sản xuất cam lòng vàng đạt tiêu chuẩn Global GAP.
Tiêu chuẩn Global GAP được xây dựng để áp dụng cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) trên toàn cầu. Trọng tâm của tiêu chuẩn này là hướng đến sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Do đó, một khi sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận Global GAP sẽ có lợi thế trong việc xây dựng thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Quy trình sản xuất Global GAP có 252 tiêu chuẩn, bao gồm 36 tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ 100%, 127 tiêu chuẩn có thể tuân thủ đến mức 95% và có 89 kiến nghị khuyến cáo phải thực hiện. Để đạt tiêu chuẩn (hay chứng nhận) Global GAP, người sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt từ khi gieo trồng đến khâu thu hoạch, chế biến và bảo quản. Chẳng hạn như phải làm sạch nguồn đất, bảo đảm độ an toàn nguồn nước; chọn giống cây trồng, vật nuôi sạch bệnh; lựa chọn vật tư sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi...) là những thuốc trong danh mục, có nguồn gốc hữu cơ an toàn cho người sử dụng.
Năm 2015, ông Nguyễn Văn Chung, thị trấn Vân Du (Thạch Thành) thuê 60 ha đất đồi, huy động vốn để đầu tư xây dựng mô hình nông trại trồng cam lòng vàng, bưởi da xanh và các loại cây ăn quả khác. Bước vào xây dựng nông trại, ông Chung thuê kỹ sư nông nghiệp về tư vấn, quy hoạch và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất. Toàn bộ diện tích nông trại đều được thiết kế áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới thông minh và áp dụng cơ giới trong sản xuất. Ngoài ra, nông trại dành 5.000m2 đất xây nhà nuôi giun quế làm nguyên liệu chế biến phân bón hữu cơ cho cây ăn quả. Từ việc nuôi giun quế lấy phân, mỗi năm tiết kiệm cho nông trại được 50% chi phí mua phân bón cho các loại cây trồng. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong sản xuất, năm 2019, nông trại cho thu hoạch vụ đầu tiên đạt 250 tấn cam, doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hoàng Kiên, Quản lý Nông trại Thủy Chung, thị trấn Vân Du, cho biết: Nhằm hướng đến sản xuất sạch, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, nông trại đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. Để đạt được tiêu chuẩn Global GAP, đòi hỏi phải có quá trình sản xuất chuyên nghiệp và bài bản, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp trong sản xuất. Ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn, thì lao động làm việc tại nông trại phải được trang bị kiến thức và có phương pháp làm việc chuyên nghiệp. Với sự nỗ lực của mình, năm 2019 nông trại đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất Global GAP. Hiện nay, nông trại đang tạo việc làm ổn định cho 45 - 50 lao động với thu nhập bình quân từ 5,5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến năm 2020, sản lượng cam của nông trại đạt khoảng 900 tấn và bưởi da xanh 70 tấn. Hiện, sản phẩm của nông trại đã đạt chứng nhận Global GAP và đang tìm kiếm thị trường để đưa sản phẩm cây ăn quả có múi của nông trại xuất khẩu ra nước ngoài.
Với sự năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế, cộng với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp, nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh đã tiên phong trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tiêu biểu, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông... đã ứng dụng và chuyển giao nhiều mô hình nông nghiệp sản xuất theo hướng Global GAP mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, ở các địa phương trong tỉnh, việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch cũng đang được quan tâm thực hiện...
Việc áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn Global GAP mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, sản phẩm sạch, an toàn với môi trường và người lao động. Tuy nhiên, việc sản xuất theo các tiêu chuẩn Global GAP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế do chi phí áp dụng mô hình cao, việc áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ cho việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn Global GAP còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Tỷ lệ cá nhân và doanh nghiệp đầu tư thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến này còn ít, toàn tỉnh mới chỉ có hơn 100 ha được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP.