Hiệu quả sản xuất trên cánh đồng mẫu
Được xây dựng từ hơn 10 năm nay, hiện các địa phương trong tỉnh đang duy trì trên 70 mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích gần 2.000 ha. Hiệu quả từ các cánh đồng mẫu đem lại cao hơn 1,5 lần giá trị sản xuất chung, góp phần thúc đẩy việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật, cơ giới hóa trên đồng ruộng. Cánh đồng mẫu giúp giải quyết được tình trạng manh mún ruộng đất giúp triển khai những mô hình sản xuất mới của ngành thuận lợi hơn. Từ hiệu quả của cánh đồng mẫu, nhiều mô hình sản xuất lúa, cây trồng hàng hóa được mở rộng; việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất sẽ được nhân rộng; góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả và thu nhập cho người dân.
Mô hình cánh đồng mẫu được xây dựng có quy mô lớn, diện tích từ 30 ha/cánh đồng trở lên (cánh đồng quy mô cấp tỉnh). Sản xuất trên các cánh đồng mẫu được xây dựng gắn kết 3 vụ trong năm (vụ lúa xuân, vụ mùa và vụ đông), hướng đến liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu, yêu cầu phải gieo cấy cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc, bón phân. Trong sản xuất vụ đông, gieo trồng không quá 3 loại cây hàng hóa/cánh đồng. Hằng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất các địa phương đều đặt ra mục tiêu duy trì và phát huy hiệu quả trên diện tích cánh đồng mẫu.
Qua đánh giá, các cánh đồng mẫu đều đạt được tiêu chí bảo đảm diện tích, tổ chức sản xuất cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc. Đa phần các cánh đồng đều cấy những giống lúa hàng hóa đang được thị trường ưa chuộng, như: Bắc thơm số 7, ND502, VNR20, DV108, KD18… Nhiều địa phương ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp sản xuất và thu mua sản phẩm (chủ yếu là thóc tươi) ngay tại bờ ruộng cho người dân tại cánh đồng mẫu. Trong vụ mùa 2023, tổng lượng thóc tiêu thụ theo hợp đồng 6.631 tấn, bằng 50,5% tổng sản lượng thóc của các cánh đồng mẫu trong tỉnh.
Trồng cây vụ đông hàng hóa trên cánh đồng mẫu tại xã Lê Hồ (Kim Bảng).
Ảnh: Thành Nam
Mô hình cánh đồng mẫu tại HTXDVNN Đồn Xá (Bình Lục) được quy hoạch và xây dựng bảo đảm thuận tiện giao thông nội đồng, tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Cánh đồng mẫu được Hội đồng quản trị HTXDVNN ký hợp đồng sản xuất giống lúa thuần nguyên chủng với Công ty TNHH Nam Dương (KCN Đồng Văn – thị xã Duy Tiên). Theo hợp đồng, doanh nghiệp cung ứng giống thóc thuần siêu nguyên chủng, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và thu mua toàn bộ sản phẩm thóc tươi ngay sau khi thu hoạch cho người dân; giá thu mua hàng vụ đều cao hơn giá thóc thịt cùng loại trên thị trường. Ông Nguyễn Thế Trường, Giám đốc HTXDVNN Đồn Xá cho biết: Xây dựng cánh đồng mẫu rất thuận tiện cho phát triển sản xuất. Tại địa phương, từ khi có cánh đồng mẫu cây lúa thực sự trở thành hàng hóa được doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp nâng cao giá trị, hiệu quả...
Bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT)
Xây dựng cánh đồng mẫu cũng tạo điều kiện triển khai những mô hình áp dụng phân bón, giống lúa và cây trồng mới, áp dụng cơ giới vào các khu sản xuất và hướng đến nhân rộng sang các diện tích khác. Thực hiện Đề án “Ứng dụng một số giống cây trồng mới chủ yếu theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2017 – 2020” phần lớn được thực hiện trên mô hình cánh đồng mẫu của các địa phương. Qua thực hiện, đề án chọn lọc được tổng số 17 loại giống mới được đánh giá cho năng suất, chất lượng và giá trị để triển khai nhân rộng. Năm 2021 chương trình nhân rộng theo đề án, được tổng diện tích 5.300 ha, gồm: Lúa 2.600 ha, bí xanh 200 ha, bí đỏ và dưa chuột 700 ha, cỏ 100 ha. Nhiều giống cây trồng mới hiện nay được nhân rộng sản xuất đại trà tại nhiều địa phương trong tỉnh. Trên cánh đồng mẫu, những năm gần đây, các địa phương đang đẩy mạnh áp dụng máy móc cơ giới vào khâu gieo cấy.
Đơn cử, như ở xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) phương pháp cấy máy trở thành chủ lực, chiếm hơn 70% tổng diện tích gieo cấy. Thời gian đầu, khi áp dụng phương pháp cấy máy HTXDVNN Tượng Lĩnh đã lựa chọn triển khai trên diện tích cánh đồng mẫu có diện tích 30 ha. Đây cũng là vùng liên kết sản xuất giống lúa thuần nguyên chủng với doanh nghiệp. Máy cấy hoạt động trên diện tích ruộng giúp giải phóng sức lao động, rút ngắn thời gian mùa vụ bảo đảm đồng trà thuận lợi cho quá trình chăm sóc, phát sinh, phát triển của cây lúa bảo đảm chất lượng giống… Từ thành công của phương pháp cấy máy, người dân trong xã áp dụng rộng rãi ra sản xuất đại trà. Trên địa bàn xã hiện có 2 tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy với tổng số 5 máy cấy động cơ đảm nhiệm toàn bộ diện tích lúa cấy máy tại địa phương.
Nhận thấy hiệu quả từ chương trình xây dựng cánh đồng mẫu, đến nay các địa phương trong tỉnh đã duy trì và phát triển tốt mô hình cánh đồng mẫu, như: Huyện Bình Lục 20 cánh đồng mẫu, Kim Bảng 18 cánh đồng mẫu, Lý Nhân 13 cánh đồng mẫu… Riêng, xã Nhân Mỹ (Lý Nhân) đang duy trì sản xuất 9 cánh đồng mẫu, gồm: 2 cánh đồng quy mô 30 ha/cánh đồng và 7 cánh đồng quy mô từ 7 – 15 ha/cánh đồng.
Bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Cánh đồng mẫu giúp giải quyết được tình trạng manh mún ruộng đất giúp triển khai những mô hình sản xuất mới của ngành thuận lợi hơn. Từ hiệu quả của cánh đồng mẫu, nhiều mô hình sản xuất lúa, cây trồng hàng hóa được mở rộng; việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất sẽ được nhân rộng; góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả và thu nhập cho người dân.