Hiệu quả sau dồn điền, đổi thửa

Tại huyện Lạc Thủy, diện tích đất nông nghiệp ít lại phân bố nhỏ lẻ, manh mún, thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tạo thuận lợi cho việc liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, gắn việc DĐĐT với tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Sau dồn điền, đổi thửa, xã An Bình (Lạc Thủy) đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.

Thuộc vùng sâu của huyện, nhưng An Bình là xã đi đầu trong công tác DĐĐT, bước đầu đem lại hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã tích cực vào cuộc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về chủ trương này. Năm 2018, xã triển khai làm thí điểm ở 5 thôn: Đồng Bầu, Đồng Rặt, Tiên Lữ, Phú Tường, Rộc In. Năm 2019 tiếp tục nhân rộng thêm ở 2 thôn Đồng Bông, Ninh Nội, nâng tổng số 7/14 thôn DĐĐT được hơn 179 ha, giảm từ 5.644 thửa còn 1.786 thửa, rút mỗi hộ từ 9 thửa còn 2 thửa; tăng diện tích thửa ruộng sau dồn đổi nhỏ nhất là 500 m2, lớn nhất hơn 1.400 m2. Năm 2020 DĐĐT thành công ở 2 thôn Ninh Ngoại, Đại Đồng. Năm 2021, xã thực hiện DĐĐT 100,5 ha ở 5 thôn còn lại. Hiện, 100% thôn toàn xã DĐĐT thành công.

Đồng chí Quách Công Mười, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Bất kỳ việc gì khi mới bắt đầu triển khai người dân chưa hiểu cũng sẽ gặp khó khăn. Do đó, để DĐĐT thành công xã chọn những cánh đồng có nhiều thuận lợi, vận động người dân ủng hộ thực hiện để làm trước. Từ đó, người dân các thôn khác thấy được thành công và sẽ ủng hộ. Việc DĐĐT thành công đã khắc phục tình trạng manh mún, Nhân dân bỏ ruộng hoang như trước, tạo thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đặc biệt, tạo nền tảng để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Việc DĐĐT thành công để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân là minh chứng rõ nét nhất cho sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận thời gian qua”.

Khi triển khai công tác DĐĐT, các địa phương gặp không ít khó khăn, vướng mắc về phương pháp, cách làm, một số người dân chưa đồng thuận vì sợ mất "bờ xôi, ruộng mật”. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì giải thích, vận động của chính quyền các thôn, xã, cộng với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương nên người dân đồng tình, tin tưởng tham gia. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp các cơ quan liên quan của huyện, chính quyền các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về lợi ích của DĐĐT để tự nguyện, tự giác thực hiện chương trình. Năm 2021, huyện DĐĐT 100,5 ha, đưa tổng số diện tích dồn đổi toàn huyện gần 560 ha. Tại các xã triển khai dồn đổi, sau thực hiện mô hình, bình quân mỗi xã còn 5 - 7 thửa.

Đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Cùng với các nguồn lực khác, huyện ưu tiên bố trí nguồn vốn để tiếp tục hỗ trợ các địa phương quy hoạch, DĐĐT, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với những đồng ruộng đã thực hiện DĐĐT, yêu cầu tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để cấp lại cho người dân; trích ngân sách hỗ trợ cho các đồng ruộng thực hiện DĐĐT xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng để phục vụ Nhân dân sản xuất thuận lợi hơn.

Với những hiệu quả thiết thực từ việc DĐĐT, trong thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác DĐĐT đạt hiệu quả cao hơn, góp phần tạo nền tảng quan trọng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ tích cực cho quá trình xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu thực hiện dồn đổi đạt trên 735 ha trên tất cả 10 xã, thị trấn.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/160648/hieu-qua-sau-don-dien,-doi-thua.htm